Não là bộ phận chỉ huy toàn bộ các chức năng hoạt động của cơ thể, nhưng nó lại ít được quan tâm, chăm sóc thường xuyên. Và nếu bạn mắc phải một trong các thói quen xấu sau đây thì vô tình còn làm tổn hại không nhỏ đến bộ não của chính mình.
Không uống đủ nước
Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước thì có thể gây ra sự mất nước bên trong, từ đó dẫn tới hiện tượng choáng váng, phản ứng chậm và còn có thể làm ảnh hưởng tới các mô của não. Do vậy, bạn nên duy trì uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước trong ngày để không làm tổn thương bộ não của mình.
Làm nhiều việc cùng một lúc
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm nhiều việc cùng lúc thường có hiệu quả và năng suất công việc thấp hơn so với những người chỉ chú tâm làm một việc. Thế nên, thay vì cố sức làm nhiều việc cùng một lúc, bạn nên tập trung làm một việc để không tạo nhiều sức ép lên não bộ.
Hút thuốc lá
Khi bạn hút thuốc, có vô số chất độc hại sẽ đi vào cơ thể và tích tụ lại, từ đó khiến máu của bạn đặc hơn. Chính điều này là nguyên nhân làm ngăn chặn dòng máu đi lên não bộ, thậm chí còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về thần kinh.
Căng thẳng thường xuyên
Khi bạn để cơ thể gặp căng thẳng quá mức thì nó sẽ giải phóng ra nhiều hormone cortisol, từ đó làm tổn hại tới não bộ. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp giúp thư giãn tinh thần như thiền định, yoga… sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và bảo vệ sức khỏe não bộ.
Bỏ bữa sáng
Nhiều người do quá bận rộn và vội đi làm nên thường bỏ qua bữa sáng, tuy nhiên điều này lại khiến não của bạn nhận được ít glucose hơn nên gây ra tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, thay đổi tâm trạng… Đặc biệt, việc bỏ bữa sáng thường xuyên còn gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc trong ngày và làm tăng cao nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác.
Ngủ không đủ giấc
Khi bạn ngủ, bộ não của bạn sẽ được tái thiết lập cơ cấu các nơ-ron thần kinh cho buổi sáng hôm sau. Thế nhưng, nếu bạn ngủ không đủ giấc hàng ngày thì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung cũng như sự phối hợp trong công việc của bạn vào ngày hôm sau. Do đó, hãy duy trì thói quen ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng/ngày để não bộ được phục hồi trở lại.