Khi cơ thể xuất hiện hiện tượng tăng cân đột ngột không rõ nguyên nhân, bạn nên chú ý theo dõi chế độ ăn uống, luyện tập trong khoảng 1-2 tuần trước khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu cơ thể tăng cân đột ngột đi kèm những dấu hiệu sau thì nên chú ý tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tăng cân đi kèm cảm giác mệt mỏi
Theo bác sĩ khoa nội đồng thời là chuyên gia về dinh dưỡng, thể chất Melina Jampolis (Los Angeles, Mỹ), các bác sĩ thường sẽ kiểm tra tuyến giáp đầu tiên trong trường hợp phụ nữ tăng cân bất thường.
Tuyến giáp có hình cánh bướm, nằm ở cổ, tiết hormon điều khiển quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu hoạt động tuyến giáp bị suy giảm, quá trình trao đổi chất cũng chậm lại, gây tăng cân.
Đây là bệnh khá phổ biến. Trung bình cứ 8 phụ nữ thì có 1 người mắc rối loạn tuyến giáp vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Phụ nữ mắc bệnh nhược giáp cũng có thể đi kèm cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, da khô, rụng tóc, khàn giọng, táo bón. Bác sĩ thường sẽ xét nghiệm máu để phát hiện hoạt động bất thường ở tuyến giáp.
Tăng cân đi kèm chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Hội chứng buồng trứng đa nang cũng là một căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ. Đây là căn bệnh rối loạn nội tiết, biểu hiện qua các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt bất thường, lông tóc phát triển mạnh ở cả các bộ phận như mặt, tay chân.
Hội chứng buồng trứng đa nang cũng làm rối loạn quá trình điều tiết insulin (hormone chuyển hóa đường thành năng lượng), kết quả là kích thước vòng 2 tăng lên đáng kể.
Tăng cân đi kèm stress
Khi thường xuyên bị stress, cơ thể sản sinh ra adrenaline và hormone cortisol nhiều hơn mức bình thường. Cortisol khiến cơ thể tích tụ chất béo và dễ gây béo phì.
Do đó, nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, khó ngủ hoặc cảm thấy mất hứng thú với những sở thích trước kia, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ tâm thần để có những điều chỉnh cần thiết.
Tăng cân đi kèm khó ngủ
Việc ngủ quá ít làm gia tăng nồng độ hormone ghrelin – đóng vai trò tạo tín hiệu cho cơ thể biết đã đến giờ ăn, đồng thời làm giảm nồng hộ leptin – hormone truyền đi cảm giác no bụng.
Việc thức khuya để “cày” thêm một tập phim có thể khiến bạn tăng cân. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep vào năm 2018, những người ngủ thêm một giờ/tuần tiêu hao nhiều chất béo hơn những người ngủ ít hơn một giờ. Cả 2 đối tượng đều ăn cùng lượng calo/kg trọng lượng cơ thể.
Tăng cân kèm cảm giác chướng bụng thường xuyên
Ruột non dựa vào các vi khuẩn có lợi để hoạt động bình thường, nhưng cũng chứa các vi khuẩn có hại. Khi mất cân bằng giữa lợi khuẩn và vi khuẩn có hại có thể dẫn tới chứng phát triển vi khuẩn quá mức ở ruột non (SIBO).
Bệnh này sẽ gây tích tụ khí (hơi) ở ruột gây cảm giác chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy và tăng cân. Trong những trường hợp này, thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều chỉnh sự gia tăng bất thường vi khuẩn ở ruột non.
Tăng cân trong độ tuổi ngoài 40
Sau 40 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh ở phụ nữ. Tiền mãn kinh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi từ 35 trở lên. Trong giai đoạn này, nồng độ hormon estrogen tăng giảm bất thường và có thể gây tăng cân. Một số triệu chứng khác của tiền mãn kinh như chu kỳ kinh nguyệt bất thường, cảm giác bốc hoả, tâm trạng thay đổi đột ngột hay đời sống tình dục không viên mãn.
Tăng cân có thể do mất nước
Theo chuyên gia dinh dưỡng Kristen Neilan thuộc Đại học Y Florida (Mỹ), rất nhiều người trong chúng ta không uống đủ lượng nước cơ thể cần. Cảm giác mệt mỏi, đau đầu nhẹ là những biểu hiện của việc cơ thể mất nước. Việc cơ thể được cung cấp đủ nước rất cần thiết để các hoạt động trao đổi chất diễn ra bình thường.
Tăng cân do khối u buồng trứng
Trong một số trường hợp, vòng 2 tăng kích cỡ bất thường có thể do khối u buồng trứng, khiến chất lỏng tích tụ tại đây.
Thông thường phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở độ tuổi đã mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần chú ý tới những biểu hiện như cảm giác no quá nhanh, đau ở vùng bụng dưới, nặng bụng, chướng sình bụng, đặc biệt là trong những gia đình có tiền sử mắc căn bệnh này.