Hậu quả của giấc ngủ không chất lượng có thể nhìn thấy trước mắt là mệt mỏi, đờ đẫn, khó tập trung,… Tuy nhiên, về lâu dài thì việc ngủ kém còn gây ra nhiều hệ lụy khó lường trước được, đặc biệt là nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer nếu bạn lặp đi lặp lại những thói quen sau.
Thức suốt đêm
Trong một nghiên cứu được đăng trên Science Magazine về mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh Alzheimer, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên 8 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên này được cho ngủ một đêm dài nhưng sau đó thức suốt 36 giờ liền.
Và chỉ sau một đêm hoàn toàn không ngủ thì não của những người tham gia đã tăng đáng kể (51,5%) một loại protein có tên là TAU, đây là loại chất có liên quan đến bệnh Alzheimer. Tương tự như vậy trong các thí nghiệm ở chuột thì lượng Protein TAU cũng tăng gấp đôi ở chuột mất ngủ so với chuột được ngủ đủ giấc.
Ngủ không sâu giấcTheo một nghiên cứu được công bố trên Science Translatio nal Medicine, nếu bạn ngủ ít, ngủ chập chờn không sâu giấc thì hàm lượng protein TAU trong não bộ sẽ tăng đáng kể. Từ đó, đây sẽ là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh Alzheimer hoặc có dấu hiệu sớm của căn bệnh này.
Ngoài ra, một giấc ngủ ngon và sâu cũng giúp bộ não loại bỏ sạch các protein gây bệnh Alzheimer. Do đó, nếu ngủ không sâu giấc thì bạn đã bỏ lỡ thời cơ dọn dẹp các yếu tố gây hại não nên khả năng mắc bệnh Alzheimer dễ tăng lên.
Nằm sấp khi ngủ
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tư thế nằm ngủ có ảnh hưởng như thế nào đối với khả năng loại bỏ chất gây hại tích tụ trong não bộ. Kết quả cho thấy rằng, việc nằm sấp khi ngủ là không được khuyến khích bởi nó ngăn chặn quá trình dọn dẹp này và khiến não bộ tích tụ nhiều chất bất lợi hơn, đặc biệt là các mảnh protein gọi là beta-amyloid, nguyên nhân chính gây bệnh Alzheimer.
Ngủ ngày bù cho ngủ đêm
Nhiều bạn trẻ có thói quen làm việc thâu đêm sau đó ngủ bù lại vào ban ngày và các chuyên gia nhận định rằng, cách ngủ này là phản khoa học và có thể làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer sớm ở người trẻ tuổi. Bởi cách ngủ này sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học trong cơ thể khiến cho mỗi lúc bạn ngủ đều chập chờn khó sâu giấc nên não bộ không thể hồi phục kịp thời và mức độ tổn thương ngày càng tăng hơn.
Nghịch điện thoại trước giờ ngủ
Thói quen lướt điện thoại hàng giờ liền trước khi ngủ sẽ gây phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, từ đó bạn sẽ khó ngủ và chất lượng giấc ngủ cũng không đạt chuẩn. Tất cả những hậu quả kèm theo này đều được các nhà khoa học thừa nhận là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Sử dụng thuốc ngủ không theo đơn
Nhiều bạn trẻ có thói quen vô cùng tai hại là sử dụng thuốc ngủ mỗi khi không ngủ được. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì việc sử dụng thuốc ngủ bừa bãi có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên đến 54%. Bởi trong các loại thuốc này có chứa thành phần ngăn chặn hoạt động của một chất hóa học não gọi là acetylcholine, chất giúp hỗ trợ học tập và trí nhớ.
Cần làm gì để có giấc ngủ khoa học, hạn chế nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sớm?
Để hạn chế tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sớm ở giới trẻ thì ngay từ hôm nay, bạn phải lưu ý tuân thủ các điều sau:
-Tuyệt đối không thức suốt đêm, cố gắng ngủ đúng giờ và đủ giấc.
– Tạo môi trường ngủ thật khoa học, giảm ánh sáng và tiếng ồn xuống mức thấp nhất, có thể sử dụng dụng cụ bịt tai, che mắt khi ngủ.
– Ưu tiên ngủ trong tư thế nằm nghiêng hoặc ngửa, hạn chế nằm sấp ngủ suốt đêm.
– Không ngủ ngày quá nhiều để hạn chế tình trạng rối loạn nhịp sinh học trong cơ thể.
– Hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh của thiết bị điện tử trước giờ ngủ ít nhất 1 tiếng đồng hồ.
– Không tự ý uống bất kỳ loại thuốc ngủ nào, nếu bị mất ngủ lâu dài thì bạn nên đi khám để được chữa trị đúng cách hơn.
– Tăng cường vận động thể dục cũng là phương pháp giúp ngủ ngon.