Những người tham gia nghiên cứu đã theo dõi thói quen tắm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch của hơn 30.000 người Nhật Bản trong 20 năm. “Chúng tôi phát hiện ra, tắm bồn thường xuyên có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ tăng huyết áp, cho thấy tác dụng có lợi của hoạt động này, một phần hạ thấp nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp”, các nhà nghiên cứu chỉ ra.
Theo đó, tắm nước nóng hằng ngày có liên hệ với việc nguy cơ mắc bệnh tim giảm xuống thấp hơn 28% và nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 26%.
Tại sao nước nóng lại hiệu quả?
Các nhà nghiên cứu tin rằng, sức nóng của nước có tác dụng làm giảm huyết áp đồng thời tăng nhịp tim và cải thiện một yếu tố gọi là chức năng huyết động, nói đơn giản là cách tim bơm máu đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Tiến sĩ S. Russell Vester, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Do Thái ở Cincinnati, Ohio khẳng định, những tác động tích cực trên cũng biểu hiện ở những người có thói quen chăm tập Aerobic. “Câu hỏi thực sự là: Liệu có phải tắm nước nóng mang lại kết quả tương tự như những gì mà các hoạt động Aerobic mang lại hay không?”, Vester nói với Healthline.
“Hãy giả sử bạn dành ra 30 phút một ngày để thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng (như đi bộ) trong 5 ngày 1 tuần. Nếu tắm 5 ngày 1 tuần, nhịp tim của bạn sẽ tăng lên và huyết áp của bạn giảm xuống, việc này cũng đem lại kết quả tương tự thế”, ông cho biết.
Có nên tắm theo chỉ định?
Vester cho biết ông chưa từng thấy bác sĩ nào chỉ định tắm như là một cách để phòng ngừa bệnh tật cả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là ngâm mình trong bồn nước nóng là một phần văn hoá của Nhật Bản (nhiều nhà tắm tại Nhật Bản cho phép người tắm ngâm mình thật sâu trong nước nóng), vì thế “họ muốn lấy đây làm ví dụ cho việc tắm theo chỉ định”.
Bên cạnh đó, Vester cũng nhìn rõ được lợi ích tiềm năng cũng như rủi ro của việc này.
Đầu tiên là rủi ro: Vester đề nghị bất kỳ ai có vấn đề về tim mạch cũng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi quyết định ngâm mình trong bồn nước nóng. “Những người đang có bệnh tim mạch không nên làm điều này. Luôn luôn nói chuyện với bác sĩ trước”, ông nói.
Lợi ích, tắm ở dạng tinh khiết nhất, sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. “Tắm cũng đem lại những mặt tốt, đây là một cách để thư giãn, tạo sự thoải mái, tạo không gian riêng”, Vester nói.
Giải tỏa căng thẳng miễn phí
Trong những ngày tháng nhìn đâu cũng thấy lo âu này, cô Elizabeth Nelson ở Wisconsin đã yêu cầu thành viên trong nhà tắm nước nóng “theo chỉ định” nhiều hơn bao giờ hết. “Từ lâu, tôi đã gợi ý với mọi người trong gia đình rằng tắm nước nóng là một cách để giảm căng thẳng. Và rõ ràng, giảm thiểu căng thẳng giúp ích cho sức khỏe của trái tim”, cô chia sẻ với Healthline.
Còn một lợi ích khác nữa, Elizabeth nói, “Về cơ bản bạn chẳng mất đồng nào. Nếu có bồn tắm trong nhà và nước nóng, bạn hoàn toàn sẵn sàng. Việc này chẳng cần đến 1 cuộc hẹn hay một khoản đồng thanh toán nào. Cũng tốt cho trái tim mà – cũng như là ví tiền của tôi trong lúc này”.
Marna Brickman, một nhân viên xã hội được chứng nhận có giấy phép ở Annapolis, Maryland, cho biết, một trong những kỹ thuật thư giãn mà cô thường gợi ý cho khách hàng đó là tắm nước nóng. Cô khẳng định, tắm nước nóng là giúp cơ thể thư giãn, làm dịu tâm trí đồng thời cũng cho rằng việc đó không hề khó khăn, ai cũng có thể tiếp cận và làm được, đặc biệt là trong khoảng thời gian mà người người nhà nhà phải cách ly xã hội.
“Nếu bí quyết để có một sức khỏe tốt là một bồn tắm thật đẹp với nước ấm, hỡi ôi, tôi sẽ làm luôn và ngay”, Vester nói.