Mới đây, chị Trần Thị Tuyết (45 tuổi) đi từ Long An lên BV Ung Bướu (TP.HCM) tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Chị cẩn trọng cất tiền vào một một chiếc ví nhỏ và nhét sâu xuống đáy ba lô. Khi đang chờ khám thì một người phụ nữ lạ bỗng bắt chuyện, làm quen với chị Tuyết.
Người phụ nữ này tỏ ra giống người nhà đang chăm sóc bệnh. Khi thấy chị Tuyết sơ hở, đối tượng này đã nhanh tay rạch túi xách và lấy đi ví tiền của nạn nhân. Khi chưa kịp bỏ tiền vào túi thì đối tượng trộm cắp bị người dân phát hiện, bắt giữ giao công an xử lý.
Cũng là nạn nhân của nạn trộm cắp khi đi chăm sóc người thân tại bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Phương Thảo (34 tuổi), cho biết, ngày 7/11, vào buổi đêm khi đang nuôi bệnh người nhà, thì chị được bảo vệ gọi xuống xác minh chiếc smartphone của chị bị lấy cắp. Khi đó, chị mới biết mình bị mất đồ.
Chị Thảo kể: “Khi xuống phòng bảo vệ, tôi thấy hai bệnh nhân khác cũng đang bị mất tài sản. Nhìn kỹ mặt kẻ trộm thì người này thấy rất quen vì đã từng bắt chuyện với mình. Buổi tối, tôi đã nhét điện thoại vào túi quần rồi mới nằm ngủ, không hiểu họ lấy kiểu gì mà mình không hề hay biết”.
Chị Thái Ân (ngụ quận 7) đi khám sức khỏe định kỳ tại BV ĐH Y Dược TPHCM cũng bị trộm tiền trong ví. Chị kể: “Khi bước vào nhà vệ sinh lấy mẫu nước tiểu, tôi bị một người phụ nữ va vào người. Lúc sau, tôi phát hiện chiếc ví chứa toàn bộ giấy tờ và hơn 7 triệu đồng đã bị “bốc hơi”. Do trong nhà vệ sinh không có gắn camera nên cơ hội lấy lại được tài sản là rất khó”.
Chị bức xúc: “Giờ vào bệnh viện cứ nơm nớp lo sợ. Dù bảo vệ luôn nhắc nhở phải cảnh giác với kẻ gian, có nhiều bảng cảnh báo bệnh nhân và người nhà đề phòng mất cắp, vậy nhưng không ít người như mình vẫn “sập bẫy”.
Khó giải quyết triệt để
Thực tế cho thấy, tình trạng mất cắp xảy ra ở hầu khắp các bệnh viện, nhất là những bệnh viện lớn, có lượng bệnh nhân đông, nhiều người qua lại. Thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp chủ yếu là vào các buổi sáng sớm, nhân lúc bệnh nhân đang làm vệ sinh cá nhân. Kẻ gian thường lẻn vào phòng bệnh nhân, móc túi trong cầu thang máy, nơi người bệnh chen chúc khám bệnh…
Chia sẻ về vấn đề quản lý an ninh tại bệnh viện, ông Trần Cư, Đội trưởng đội bảo vệ, BV Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, bệnh viện đã lắp đặt rất nhiều camera, hầu hết các “điểm nóng”. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường đội ngũ bảo vệ, liên tục tuần tra, nhắc nhở bệnh nhân và người nhà cảnh giác với móc túi…
Theo ông Cư, do mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khám gần 6.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và gần 3.000 bệnh nhân nội trú nên an ninh trật tự rất khó kiểm soát triệt để. Ông Cư cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đội bảo vệ đã bắt được hàng chục vụ lấy tài sản của bệnh nhân thông qua theo dõi bằng camera và rất nhiều vụ lừa đảo, giả danh người bệnh bị mất để xin tiền… Tuy tình trạng móc túi, lấy cắp tại bệnh viện đã giảm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
Còn theo các nhân viên bảo vệ tại bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, thì do lượng bệnh nhân, người nhà và nhân viên ra vào bệnh viện mỗi ngày rất đông, khiến việc kiểm soát an ninh gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng này ngày càng sử dụng những chiêu thức tinh vi, phần vì lực lượng bảo vệ bệnh viện mỏng nên khi bảo vệ cảnh giác tuần tra chỗ này thì các đối tượng lại hành nghề ở chỗ khác.
Ông Trần Cư, Đội trưởng đội bảo vệ, BV Chợ Rẫy khuyến cáo: “Để tránh các tình trạng lừa đảo, móc túi… thì bệnh nhân khi đến khám bệnh viện tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ, ăn uống hoặc gạ gẫm từ người lạ. Đặc biệt, khi tại các điểm đông đúc, bệnh nhân và người nhà nên ngồi ghế đợi đến lượt, không chen lấn, xô đẩy, tạo cơ hội cho kẻ xấu ra tay. Với trách nhiệm của mình, bảo vệ sẽ tăng cường tuần tra để hạn chế tình trạng trộm cắp, còn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần nâng cao cảnh giác, tự bảo quản tài sản của chính mình, tránh sơ hở để kẻ gian lợi dụng”.