Tori Geib chia sẻ: “Tôi bị đau lưng mãn tính khoảng một năm trước khi phát hiện khối u”. Cô cũng từng đến gặp ba bác sĩ chuyên về thấp khớp để tìm hiểu nguyên nhân gây nên những cơn đau này nhưng không hiệu quả. Vào tháng 2 năm 2016, Tori được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.
Một tháng sau, cơn đau vẫn tiếp diễn và thậm chí cô đã phải đi cấp cứu hai lần vì không thể chịu đựng nổi. Bác sĩ chẩn đoán Tori có thể đang mắc một bệnh tự miễn nào đó và kê cho cô thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ liều thấp.
Theo cô: “Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ có lẽ mình đã làm việc quá sức. Đôi lúc tôi băn khoăn về chẩn đoán của bác sĩ nhưng rồi lại gạt đi vì nghĩ họ là chuyên gia nên chắc không thể sai được”.
Khối u bí ẩn
Cuối tháng 3, Tori nhận ra một bên vú có kích cỡ khác thường so với bên còn lại. Cô cho biết: “Tôi gọi cho mẹ để hỏi ý kiến của bà. Bà là y tá nên ngay lập tức nhận ra hiện tượng bất thường này và khuyên tôi nên đi kiểm tra ngay”.
Vì từng làm phẫu thuật vú vào năm 2008, cô thường cảm thấy khu vực này khá cứng do vết sẹo để lại.
Sau khi nhanh chóng lên lịch hẹn với phòng khám, cô được bác sĩ tiến hành chụp quang tuyến vú. Một tuần sau, thời điểm nhận kết quả, Tori bàng hoàng khi biết bản thân đang mắc ung thư vú.
Cô chia sẻ: “Tôi hoàn toàn sốc trước thông tin này. Mọi thứ trở nên mờ đi khi tôi nhìn vào tờ kết quả. Mẹ đã ở bên tôi và tôi còn nhớ rõ mình đã khóc trên vai bà ấy”.
Không thuốc chữa
Do không có bác sĩ chuyên về ung thư trong khu vực sinh sống, Tori Geib phải đến Đại học Ohio nhằm xin ý kiến từ các chuyên gia y khoa.
Khi ung thư lan đến cột sống, chúng phá hủy mọi thứ trong đốt sống của cô, khiến khu vực này mất đi 70% kích thước vốn có. Tori Geib đã phải tiến hành phẫu thuật tạo hình đốt sống trước khi bắt đầu điều trị ung thư vú.
Người mắc ung thư vú di căn có thể sống trung bình từ 18-36 tháng kể từ thời điểm phát bệnh. Hơn nữa, chỉ có khoảng 22% người sống sót sau 5 năm vật lộn với căn bệnh này. Cô chia sẻ: “Trước khi bác sĩ chẩn đoán, tôi không hề biết ung thư vú là bệnh không thể chữa được. Tôi đã rất lạc quan tới khi họ nói tôi đang mắc ung thư giai đoạn cuối”.
Điều trị
Trong thời kỳ đầu của quá trình điều trị, bác sĩ đã áp dụng một liệu pháp hormone để làm chậm sự phát triển khối u trong cơ thể cô. Tori phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.
Cô cho biết: “Nhằm kiểm soát ung thư vú. tôi đã chịu đựng nhiều cuộc phẫu thuật và xạ trị khác nhau. Điều tôi phải đối mặt hơn cả là mặt trái của những phương pháp điều trị này. Các mô xung quanh khối u trở nên cứng bất thường và gây đau đớn dữ dội. Ngoài ra, dạ dày tôi cũng bị bỏng phóng xạ và không thể dung nạp chất xơ”.
Ung thư vú cũng gián tiếp tước đi khả năng hoạt động của Tori. Cô phải chống nạng và thậm chí dùng xe lăn để đến phòng khám kiểm tra.
Trong thời kỳ đầu của quá trình điều trị, bác sĩ đã áp dụng một liệu pháp hormone để làm chậm sự phát triển khối u trong cơ thể cô.
Hướng về tương lai
Duy trì chất lượng cuộc sống là vấn đề hàng đầu của Tori. Cô chia sẻ: “Tôi luôn luôn phải chịu đựng những cơn đau đớn và biết thời gian còn lại của mình không nhiều. Tôi đã nghỉ công việc đầu bếp, sống tàn tật vì ung thư di căn vào xương. Lịch trình điều trị của tôi cũng là khá nghiêm ngặt, đôi khi có tới 3-4 cuộc hẹn một ngày”.
Cô thường xuyên gặp bạn bè và tham gia một số nhóm hỗ trợ trực tuyến cho phụ nữ bị ung thư vú di căn. Đối với bất cứ ai cũng ở trong hoàn cảnh như mình, cô khuyên: “Nếu cảm thấy nghi ngờ trước chẩn đoán của các bác sĩ, bạn đừng ngần ngại nêu lên ý kiến của mình. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những trung tâm y tế khác để được chẩn đoán chính xác nhất. Trên hết, hãy tin tưởng vào bản thân, bạn là người biết cơ thể mình rõ nhất chứ không phải người khác”.