Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM, cà phê có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sự tỉnh táo, giảm mệt mỏi, cải thiện trí óc. Tuy nhiên, nếu người dùng lạm dụng có thể gây ra nhiều tác hại trầm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em.
Lo âu và trầm cảm
Việc tiêu thụ nhiều caffeine làm tăng mức độ trầm cảm và giảm hiệu suất công việc. Người dùng luôn có cảm giác căng thẳng, lo âu, bồn chồn. Họ còn gặp các vấn đề về giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, tăng nhịp tim, thậm chí tử vong.
Có hại cho thai nhi
Caffeine có thể ngấm qua nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Khi phụ nữ uống quá nhiều cà phê trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhịp tim thai bất thường và trẻ chậm phát triển. Bên cạnh đó, caffeine còn ngăn cản quá trình rụng trứng vào tử cung ảnh hưởng đến quá trình đậu thai. Những bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên hạn chế uống vì sẽ gây khó ngủ cho trẻ.
Nguy cơ mắc nhiều bệnh
Lạm dụng cà phê gây mất ngủ, đau đầu, chứng ợ nóng dạ dày, chứng tiểu không kiểm soát và làm đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Caffeine làm tăng tình trạng đau nhức ở bệnh nhân gout. Sử dụng thức uống này lâu dài khiến tâm trạng người dùng dễ bị kích động do nhịp tim và huyết áp tăng cao.
Một số loại thuốc tương tác với caffeine như thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu, estrogen, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ co giật cho người sử dụng.
Ngộ độc
Khi một người bị ngộ độc caffeine, triệu chứng đầu tiên để nhận biết là nôn ói không ngừng. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn vì những sản phẩm có chứa chất này đang thu hút người trẻ tuổi nhất là thiếu niên.
Một nghiên cứu mới được công bố trên trang Journal of Nutrition Education and Behavior cho thấy cha mẹ và bạn bè ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen uống cà phê của trẻ vị thành niên.