Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa Anh The Lancet, cho thấy gần 6.000 người sau khi được tiêm vaccine Ebola thử nghiệm trong năm 2015, đều miễn nhiễm với virus Ebola chỉ 10 ngày sau. Trong khi đó, tại một thí nghiệm có cùng quy mô nhưng không sử dụng loại vaccine này, lại xuất hiện 23 trường hợp nhiễm virus Ebola.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở Guinea, một trong những quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bùng nổ của virus Ebola trong năm nay.
Bà Marie-Paule Kieny, trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Đây là vaccine đầu tiên mà hiệu quả của nó đã được chứng minh rõ ràng. Tôi thực sự tin rằng chúng ta đang nắm trong tay công cụ hữu ích, giúp kiểm soát dịch Ebola nếu nó bùng nổ trong tương lai.”
Ebola được phát hiện đầu tiên ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Dịch bệnh lớn nhất xảy ra vào năm 2014 khi nó hoành hành khắp Guinea, Sierra Leone, Liberia…. và làm ít nhất 11.000 người tử vong vì nhiễm virus này. Do đó, việc điều chế vaccine là nhiệm vụ bắt buộc đối với nhân loại.
Tiến sỹ Jeremy Farrar, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện nghiên cứu y sinh học Wellcome Trust cho hay: “Nếu vaccine có sẵn trước khi dịch Ebola bùng nổ thì hàng ngàn người có thể đã được cứu sống. Trước mắt, chúng ta phải nhanh chân trong việc chuẩn đoán, điều chế thuốc và vaccine… hòng ngăn chặn mối nguy hiểm đến từ dịch bệnh này trong tương lai.”
Được biết, hãng dược Merck dự kiến vaccine sẽ được cho phép sử dụng tại Hoa Kỳ và Châu Âu vào năm tới.
Bệnh do virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là bệnh do virus Ebola gây ra ở người. Các triệu chứng thường khởi phát sau khi bị nhiễm virus từ 2 ngày đến 3 tuần như: Sốt, đau họng, đau bắp cơ, và nhức đầu.
Hiện tại, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam.