Khi số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản tăng lên hàng nghìn trường hợp mỗi ngày, các quán rượu, bar, club, vũ trường buộc phải đóng cửa trước 20h.
Về cơ bản, rượu bia đã bị cấm. Kabukicho – khu giải trí dành cho người lớn nổi tiếng bậc nhất Tokyo – bây giờ đìu hiu đến mức ít ai còn có thể liên tưởng đến khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp trước đây.
Sự tàn lụi của cuộc sống ăn chơi về đêm tác động không nhỏ đến Yakuza – băng nhóm xã hội đen khét tiếng song hợp pháp tại Nhật Bản.
Nhà tội phạm học Takuma Kamada từ Đại học Osaka cho biết: “Thế giới ngầm Yakuza quản lý hoặc đứng sau nhiều hoạt động kinh doanh hợp pháp lẫn bất hợp pháp ở Kabukicho. Và khi nơi đây trở nên suy kiệt, Yakuza đã mất đi rất nhiều nguồn thu”.
Yakuza ngày càng lớn tuổi và dễ bị tổn thương
Với sự lây lan nhanh chóng của Covid-19, đại dịch đã làm chết hơn 14.000 người tại Nhật Bản, lượng khách đến các cơ sở giải trí về đêm giảm dần. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phải kêu gọi sự trợ giúp từ chính phủ.
Hàng chục cơ sở giải trí đóng cửa khiến Yakuza thất thu “mikajimeryo” – khoản tiền bảo kê các doanh nghiệp trả cho những băng nhóm địa phương, từ 20.000-100.000 yên/tháng.
Không chỉ mất nguồn thu về đêm, thu nhập ban ngày của Yakuza cũng bị đại dịch chặn đứng. Những quầy ẩm thực tại các lễ hội truyền thống thường mang về nhiều lợi nhuận cho các băng nhóm. Tuy nhiên, từ khi đại dịch bùng phát, nhiều hội đồng địa phương đã hủy bỏ tất cả lễ hội vì lo ngại cảnh tụ tập đông người.
“Chúng tôi thường kiếm được rất nhiều tiền ở gần các ngôi đền trong lễ mừng năm mới, nhưng điều đó đã trở nên hoàn toàn bất khả thi vì Covid-19”, một Yakuza phàn nàn với tuần báo Shukan Shincho của Nhật Bản.
“Số lượng quầy hàng đã giảm và chỉ có vài người lui tới, thu nhập của chúng tôi chỉ bằng một phần ba so với những năm trước”, một thủ lĩnh băng nhóm khác cho biết.
Các ông trùm Yakuza cũng lo lắng mình sẽ bị nhiễm virus và đã hạn chế đáng kể những cuộc họp mặt băng đảng. Một số thậm chí còn hủy bỏ các lễ kỷ niệm lớn trong dịp năm mới.
Nhà nghiên cứu Martina Baradel, tác giả của một bài luận về sự phát triển của các băng đảng ở Tokyo và Fukuoka, cho biết: “Các thủ lĩnh Yakuza đều là những người cao tuổi và dễ bị tổn thương. Họ thường mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường, có liên quan đến lối sống của họ”.
Theo thống kê mới nhất của Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, 51% Yakuza trên 50 tuổi và 11% trên 70 tuổi. “Do đó, trong mùa dịch, họ đã tuân theo các hướng dẫn y tế của chính phủ để tránh bất kỳ rủi ro nào”, nhà nghiên cứu nói thêm.
Nhiều Yakuza tổ chức họp trực tuyến. Những người đứng đầu cũng khuyến cáo các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn. “Dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng đối với Yakuza vì họ thường ít có khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế”, Baradel chỉ ra đồng thời đề cập đến các luật gần đây của Nhật Bản khiến cuộc sống của băng nhóm xã hội đen trở nên khó khăn hơn.
Nguy cơ biến mất
Năm 1960, cộng đồng Yakuza Nhật Bản tự hào với 180.000 thành viên. Tuy nhiên, số lượng người tham gia giảm dần theo năm tháng. Năm ngoái, các băng nhóm mất khoảng 2.300 thành viên và hiện tại chỉ còn khoảng 25.000 người.
Yamaguchi-gumi – do Shinobu Tsukasa (78 tuổi) đứng đầu – hiện là tổ chức tội phạm lớn nhất xứ sở hoa anh đào với 8.900 thành viên.
Sự suy tàn của Yakuza có liên quan đến tình trạng già hóa dân số của xứ Phù Tang cùng những cuộc đàn áp tội phạm quy mô của cảnh sát.
Dù không cấm, luật pháp hiện hành giới hạn nhiều quyền lợi của các băng nhóm. Yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, rút các hợp đồng bảo hiểm, thậm chí là ký giấy tờ mua điện thoại di động.
Theo Tomohiko Suzuki, tác giả kiêm chuyên gia về Yakuza, thế giới ngầm giờ đây không còn hấp dẫn với giới trẻ Nhật Bản. “Người trẻ thấy rằng họ phải hy sinh quá nhiều để có được cuộc sống của một tay xã hội đen, trong khi lợi nhuận giảm dần”.
“Thế hệ của tôi mơ ước trở thành những thành viên băng đảng cấp cao, được phụ nữ vây quanh, có tiền và lái xe sang. Nhưng thời thế đã thay đổi. Giới trẻ ngày nay không thích bị ràng buộc vào một băng nhóm”, một yakuza ngoài 70 tuổi nói với Asahi Shimbun.