Trong môn Yoga có nhiều kỹ thuật về thở. Một trong số đó là Kapālabhāti. Bài tập nhằm luyện sự tập trung. Tuy nhiên điều này không phải không nguy hiểm.
Các bài tập thở là một bộ phận không thể thiếu trong tập luyện Yoga, trong đó bao gồm cả Kapālabhāti.
Quy định về giữ khoảng cách do Corona đang từng bước được huỷ bỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Trường học và nhà trẻ được mở cửa trở lại, các quầy bar lại được phép bán bia, các studio thể thao cũng được mở cửa trở lại.
Đương nhiên phải chú ý thực hiện các quy định về giữ khoảng cách cần thiết cũng như thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh.
Tại nhiều nơi cuộc sống ít nhiều đang được “bình thường hoá” trở lại. Đối với bộ môn yoga cũng vậy, đây là môn thể thao không chỉ nhằm rèn luyện thể chất, mà còn rèn tập trung về trí tuệ – sau biết bao căng thẳng với nhiều người yoga mang lại sự thanh thản, thoải mái.
Trong nhiều khoá học Yoga học thở vì thế ngày càng quan trọng hơn. Một ví dụ là Kapālabhāti, thở bằng mũi, khi thở ra rốn co lại theo nhịp về phía cột sống.
Thực hiện động tác này nhiều lần Kapālabhāti làm sạch cơ thể và chuẩn bị bước vào thiền định. Mục tiêu tối đa là đạt nhịp độ khoảng hai lần thở ra trong một giây, tức 120 lần hít thở trong một phút. Điều đó nhanh hơn tám lần so với bình thường. Thông thường người trưởng thành bình quân đạt 15 nhịp thở trong một phút.
Tuy nhiên bài tập này thực sự hữu ích đến đâu? Liệu Kapālabhāti có làm cho cơ thể thanh lọc được không – nếu có thì nhờ cái gì?
Liệu bài tập này có nguy hiểm không ? Hít thở là một cái gì đó rất nhạy cảm, nó không chỉ cho chúng ta thấy chúng ta có bị căng thẳng, hồi hộp không, mà còn ảnh hưởng đến nhịp tim của mình. Từ đó nẩy sinh câu hỏi: điều gì sẽ xẩy ra với những người không thành thạo thực hành Kapālabhāti hay làm sai bài tập này?
Trong Yoga thì thở là sự kết nối giữa cơ thể với tinh thần. Các bài luyện thở có tên là Pranayama vì thế từ xa xưa tập thở đã là một phần không thể thiếu khi luyện tập Yoga.
Nhờ luyện thở sẽ gỡ bỏ được tấm màn mở ảo che phủ sự giác ngộ trong nội tâm”, theo Yogasutra, một dạng kinh thánh của Yoga. Kapālabhāti, dịch ra có nghĩa đại loại là “sự soi sáng cho bộ não” nó chỉ là một trong nhiều bài tập.
Với Bharamari hơi thở được chủ động điều khiển khi ta thở ra và hít vào, hay với Nadi Shodhana, một sự thở mà một ngón tay của ta luôn thay đổi để bịt một lỗ mũi, nghĩa là ta chỉ thở luân phiên với một lỗ mũi. Điều này, tuỳ theo tốc độ thực hiện nhanh hay chậm sẽ tác động đến nhịp tim, mạch tăng hay giảm từ đó cung cấp cho máu nhiều hay ít oxy.
Cô gái 29 tuổi nhập viện sau khi tập Kapālabhāti
Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy sự thở có ý thức, như được thực hiện khi luyện tập Yoga, có tác động giảm sự căng thẳng (stress), hệ thống miễn dịch được kích hoạt do đó chống lại trạng thái trầm cảm.
Khi luyện tập Kapālabhāti thì làm sạch có nghĩa là người tập Yoga khi thở ra thải ra nhiều CO2 hơn bình thường làm cho thành bụng được thư giãn kích hoạt sự hoạt động của ruột.
Bất chấp những hiệu ứng được cho là tích cực này bà Regine Klinger, phụ trách về tâm lý tại Trung tâm gây mê và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện trường đại học Hamburg-Eppendorf (UKE), lại nhìn Kapālabhāti có sự xét nét.
Bởi vì khác với động tác thở thư giãn Bhramari-ngân nga hay động tác thở ra hít vào hết sức khoan thai chậm rãi thì Kapālabhāti thường là động tác thở nhanh.
Nếu thực hiện động tác này không đúng, bài tập này (luyện thở rất nhanh) điều này không khác gì tăng thông khí. Có nghĩa là người tập hít vào nhiều oxy hơn và thở ra nhiều CO2 hơn so với thông thường, qua đó có thể gây rối loạn sự cân bằng axit và basơ (chất kiềm).
Hệ quả có thể là: “Mạch trong bộ não co lại, bộ não không được cung cấp máu đầy đủ, từ đó dẫn đến chuột rút, trường hợp nặng có thể bị ngất xỉu”, bà Klinger giải thích.
Thông thường người lớn hít thở bình quân 15 lần trong một phút.
Chuyên gia trị liệu về thở Sabine Materlik cũng cho rằng Kapālabhāti không có sức thuyết phục đối với mình.
Theo chuyên gia này thì “can thiệp nhân tạo vào hoạt động thở chỉ gây thêm sự căng thẳng không cần thiết đối với cơ thể”.
Việc những người luyện thở sau khi thực hiện các thao tác này cảm thấy thoải mái thanh thản để bước vào thiền định theo chuyên gia này là do những người tập đã phải bỏ ra quá nhiều sức lực khi luyện thở.
Tài liệu có đề cập đến một trường hợp, một phụ nữ ở Hoa Kỳ đã phải nhập viện do luyện tập Kapālabhāti. Người phụ nữ 29 tuổi này đã một mình luyện thở chiều tối ngày hôm trước, sáng hôm sau khi thức dậy thấy đau bên ngực trái, do đó thở thấy khó khăn.
Cái đau và sự khó thở là do không khí bị tích tụ trong màng phổi trong và màng phổi ngoài, nơi trong điều kiện thông thường không có không khí. Trong y học bệnh này có tên tràn khí màng phổi tự phát. Người ta phải dùng một ống nhựa nhỏ để hút không khí qua thành lồng ngực. Cuối cùng nữ bệnh nhân này phải nằm viện 7 ngày.
“Chỉ là cá biệt”
Trường hợp này xảy ra từ năm 2004 và có lẽ chỉ là một trường hợp cá biệt. Sat Bir S. Khalsa, một nhà nghiên cứu về Yoga tại Harvard Medical School ở Hoa Kỳ coi đây là một trường hợp tràn dịch màng phổi “không phải là một sự kiện phổ biến”.
Ngay cả các trường hợp bị tăng thông khí (Hyperventilation) cũng hiếm thấy trong tài liệu y học liên quan đến Kapālabhāti, từ đó có thể thấy các tác động phụ chỉ là hy hữu. Những người mới tập có thể lúc đầu bị choáng, xa xẩm mặt mày, chóng mặt, điều này có thể xẩy ra nhiều hơn, theo Bir S. Khalsa – tuy nhiên hiện tượng này chỉ là thoáng qua và sẽ tự mất đi.
“Với những người khoẻ mạnh thì Kapālabhāti nói chung là vô hại”, nhà khoa học này khẳng định, chí ít “khi người ta luyện tập nghiêm chỉnh đúng theo hướng dẫn thông thường”.
Quan điểm này cũng là quan điểm chung của các tác giả đã viết một bài tổng quan về Pranayama, công bố năm 2019 trên Journal of Ayureveda and Intergrative Medicine.
Họ đi đến kết luận: Các kỹ thuật thở như Kapālabhāti nói chung là an toàn, tuy nhiên khi học luôn cần có sự hướng dẫn của giáo viên về Yoga – cho dù cho đến nay cơ chế hoạt động chính xác vẫn chưa được làm rõ.
Jutta Bachmeier-Mönnig, giáo viên về Yoga và là hội viên Hội nghề nghiệp về dạy Yoga (BDY), chỉ hướng dẫn về Kapālabhāti khi bà đã có sự hiểu biết cần thiết về các học viên của mình, đã được họ thông báo về có bệnh nền hay có vấn đề về tim mạch hay không.
Vì những người bị áp huyết cao hoặc có vấn đề về tim mạch thì kỹ thuật thở này không thích hợp, vì thở nhanh làm tăng hơn nữa nhịp tim và huyết áp. Theo Bachmeier-Mönnig thì một điều quan trọng nữa là nhóm học viên không nên quá đông, để giáo viên luôn có cái nhìn bao quát mọi học viên để uốn nắn họ kịp thời.
Quan hệ cá nhân là quan trọng
Về cơ bản hướng dẫn an toàn là điều khá đơn giản, tuy nhiên thực hiện nó lại không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Vì với năm tháng Yoga đang trở thành một môn thể thao ngày càng phổ biến, do đó các khoá học thu hút ngày càng đông học viên, hiện nay có những khoá học có tới 60 người cùng học – người dạy thường phải dùng Microphone. Do đó, khó có thể hướng dẫn đối với từng học viên.
Ngoài ra, cũng hay diễn ra sự thay đổi các lớp học, do đó khó duy trì được quan hệ cá nhân. Huấn luyện Kapālabhāti trong bối cảnh này, theo Bachmeier-Mönnig, là “có vấn đề”. Do đó, cần đặc biệt chú ý hướng dẫn cho từng cá nhân học viên và chú ý đến số lượng học viên trong một lớp nhất định.
Một lời khuyên chung có thể áp dụng cho mọi thực hành Yoga. Ai khi luyện tập các động tác như con quạ, chiến binh hoặc đứng trên đôi vai nếu không chú ý lắng nghe cơ thể mình dễ dẫn đến tổn thương.
Do đó điều rất quan trọng là, những người mới bắt đầu học Yoga cần được hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo, nắm vững các thế cơ bản từ đó học dần từng bước về kỹ thuật hít thở kể cả Kapālabhāti.