Một người bạn nước ngoài từng thắc mắc, ở Việt Nam có địa danh nào là “Vịnh Cam Dai” quá nổi tiếng, đến mức đi chỗ nào cũng thấy ghi dòng chữ “CAM DAI BAY”! Tôi cười, vì ngượng, và chẳng biết phải giải thích ra sao.
Với quy định mới thì hy vọng sự xấu hổ của tôi sẽ được cởi bỏ. Vì đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại nơi công cộng, “đối tượng” sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng. Đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thì mức phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng, tăng nhiều lần so với mức phạt tiền 300.000 – 400.000 đồng theo quy định cũ tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP.
Việc tăng nặng hình phạt đối với các hành vi nói trên là điều cần thiết để nâng cao ý thức và góp phần bảo vệ môi trường chung cho mọi người. Singapore cũng đã từng bằng những hình phạt rất nặng đối với các hành vi tương tự, để đến giờ vươn lên trở thành quốc gia “sạch nhất thế giới” và kỷ cương xã hội cũng vào loại nhất nhì thế giới.
Hồi mới ban hành các hình phạt, ông Lý Quang Diệu, khi ấy vẫn là một Thủ tướng trẻ tuổi, đã phải đối mặt với không ít chỉ trích cho rằng “quá hà khắc, nghiệt ngã”. Thế nhưng, với bản lĩnh của người đứng đầu, và nhất là khát vọng cháy bỏng phải cải biến đất nước để trở nên văn minh, hiện đại, ông Lý vẫn kiên định với quan điểm của mình.
Vì thế, có thể coi những quy định tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi thiếu văn minh nói trên là một động thái cần thiết. Trước hết là nhằm củng cố ý thức xã hội đối với việc chung tay gìn giữ vẻ đẹp của cảnh quan, môi trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu chỉ tăng nặng mức phạt thì vẫn là chưa đủ để có thể cải biến những “thói quen” của nhiều người. Ở nhiều nướic, trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi công dân được giáo dục rất tốt trong trường học, được tuyên truyền mạnh mẽ trong mọi địa điểm… Người vi phạm đều bị xử phạt nghiêm, dù là công dân hay khách du lịch. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục với xử phạt mới có thể tạo nên những chuyển biến cơ bản để có thể thay đổi thói quen hành vi, hình thành ý thức bền vững trong việc bảo vệ môi trường trong mọi người dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của biện pháp xử phạt. Sự hoài nghi này là có cơ sở, bởi trong thực tế thời gian qua, đã có không ít quy định được đưa ra rồi… để đấy, không ai thực hiện và cũng chẳng có lực lượng nào xử phạt. Đơn cử là quy định về xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng, công sở.
Điều này cho thấy khả năng kiểm soát xã hội – dưới góc độ hành vi của công dân, do lực lượng chức năng đảm nhiệm, là vẫn còn rất nhiều hạn chế. Một khi chưa có sự kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, thì quy định xử phạt sẽ khó khả thi và cũng khó phát huy tác dụng trong đời sống.
Sự minh bạch, công bằng trong việc xác định lỗi và xử phạt của cơ quan chức năng, cơ quan công quyền, cũng là vấn đề gây không ít băn khoăn. Ngay trong xử phạt vi phạm giao thông, không thiếu những trường hợp cùng mức độ vi phạm nhưng người phải chịu mức phạt nặng, người nhẹ hơn, có người còn… không bị phạt nếu có mối quan hệ, quen biết với người có chức trách.
“Cơ quan có chức năng khi tiến hành kiểm tra, xử phạt cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Các hành vi vi phạm như nhau thì phải xử lý như nhau. Bên cạnh việc các cơ quan nhà nước có chương trình tuyên truyền pháp luật, người dân cũng cần chủ động tìm hiểu và ý thức thực hiện các quy định pháp luật. Có như vậy thì các quy định pháp luật mới đi vào đời sống được”, đó là ý kiến của LS Nguyễn Hữu Thế Trạch.
Đồng thời, cũng cần có biện pháp “dự phòng” khi đối tượng vi phạm viện lý do “không có tiền nộp phạt” thì cần bổ sung biện pháp lao động công ích để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm.
Cần phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ thì mới mong xã hội trở nên văn minh hơn, khi các thói quen xấu gây hại cho môi trường của người dân dần bị loại bỏ – bằng cả ý thức tự giác kết hợp với biện pháp chế tài.