Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển xương. Dựa vào những yếu tố này, phụ huynh có thể giúp trẻ cải thiện chiều cao.

Dù bố mẹ không cao lớn, trẻ vẫn có thể đạt chiều cao chuẩn nếu tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động mỗi ngày, ngủ đủ giấc…

Chế độ dinh dưỡng cân đối

Nguyên tắc quan trọng trong phát triển chiều cao chính là nạp đủ dưỡng chất hỗ trợ tạo xương và duy trì mật độ xương cho cơ thể. Một trong những chất quan trọng là canxi.

Kết hợp nhiều loại thực phẩm giàu canxi góp phần giúp xương phát triển tốt.

Trung bình, trẻ em trong độ tuổi phát triển cần 1.000-1.300 mg canxi/ngày. Lượng canxi này cơ thể không thể tự sản xuất mà cần nạp từ thực phẩm hoặc sản phẩm bổ sung.

Để tăng chiều cao cho bé, bố mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ dưỡng chất như rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây tươi, sữa và chế phẩm từ sữa… Bố mẹ cũng nên hạn chế cho con dùng thức ăn nhanh, tinh bột xấu, chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều muối hay đường.

Ngủ đủ giấc

Trẻ trong độ tuổi dậy thì ngủ ít hơn mức khuyến nghị sẽ ảnh hưởng đến chiều cao. Nguyên nhân là hormone tăng trưởng từ tuyến yên được tiết ra nhiều nhất khi cơ thể ngủ sâu từ 23h đến 1h sáng. Cha mẹ có thể tham khảo thời lượng ngủ khuyến nghị theo độ tuổi (theo Sleep Foundation) dưới đây.

Độ tuổi Thời lượng ngủ khuyến nghị (tiếng/ngày)
0-3 tháng tuổi 14-17
3-11 tháng tuổi 12-17
1-2 tuổi 11-14
3-5 tuổi 10-13
6-13 tuổi 9-11
14-17 tuổi 8-10
18-64 tuổi 7-9
65 tuổi trở lên 7-8

Duy trì tư thế đúng

Tư thế đi, đứng, ngồi… sai khiến con trông thấp hơn và có thể ảnh hưởng lớn đến chiều cao cũng như sự phát triển xương.

Cấu tạo xương ở vùng lưng có 3 vị trí cong tự nhiên. Việc thường xuyên còng lưng hoặc cúi người khiến những đường cong này thay đổi để phù hợp với tư thế mới. Do đó, bố mẹ nên chú ý tư thế đứng, ngồi, ngủ của trẻ để khắc phục tình trạng còng lưng, gù lưng.

Tăng cường vận động

Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhất là phát triển chiều cao. Vận động góp phần củng cố cơ và xương, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, thúc đẩy tuyến yên sản xuất nội tiết tố tăng trưởng.

Trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi phát triển chiều cao nên dành ít nhất một giờ mỗi ngày để thực hiện bài tập tăng cường sức mạnh (chống đẩy, đu xà…), động tác phục hồi cơ – xương – khớp (như yoga) hay rèn luyện thể thao ngoài trời (bóng rổ, bơi lội, đạp xe, chạy bộ…).

Các bài tập yoga giúp tăng cường cơ bắp và xương.

Dùng thực phẩm bổ sung

Sử dụng thực phẩm bổ sung cũng là cách cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Có không ít thực phẩm bổ sung hỗ trợ phát triển chiều cao trên thị trường. Bố mẹ có thể chọn sản phẩm chứa các thành phần như canxi (dưới dạng nano) và dưỡng chất hỗ trợ như collagen, kẽm, vitamin D.

Theo Mộc Trà (zing) – Ảnh: T.H