Đau đẻ là điều khiến bất cứ bà bầu nào cũng bị… ám ảnh, cả khi mẹ sinh lần sau hay lần đầu mang thai. Cơn đau đẻ bình thường đã đáng sợ, nhưng nếu mẹ sinh khó, trở dạ kéo dài đến 2 – 3 ngày thì… thật không muốn nghĩ đến. Khổ nhất là những mẹ vật vã đến mấy chục tiếng đồng hồ, đến lúc lên bàn đẻ vẫn… rặn không ra và phải sinh mổ – phải chịu đau đến 2 lần. Tuy nhiên, vẫn có những sản phụ sinh con dễ đến không ngờ, chỉ vài giờ đồng hồ hay cùng lắm là nửa ngày đã mẹ tròn con vuông; thậm chí có mẹ còn chưa kịp đến bệnh viện con đã “chui tọt” ra ngoài. Điều đó cũng chẳng xa lạ, bởi nếu có những đặc điểm cơ thể như dưới đây, rất có thể mẹ sẽ rơi vào những trường hợp ấy đấy!
Xương chậu to
Mẹ đã bao giờ nghe câu “To mông rộng háng – đáng đồng tiền” chưa? Đó là chỉ những người phụ nữ có vòng 3 “nảy nở” sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Người xưa khi chọn vợ, chọn con dâu thường dựa vào đặc điểm này mà đánh giá. Thực ra, nếu sửa lại một chút thành “to hông rộng háng” có lẽ sẽ chính xác hơn, bởi nó cho thấy xương chậu của bạn rộng và nông – em bé sẽ dễ dàng chui qua và ra ngoài hơn rất nhiều, cuộc đẻ vì thế mà nhanh chóng, suôn sẻ hơn. Ngược lại, những mẹ xương chậu hẹp và sâu thì em bé sẽ khó ra ngoài hơn, dẫn đến cuộc đẻ kéo dài thời gian và mất nhiều sức lực. Một số bà bầu xương chậu quá hẹp hoặc có dị tật/biến dạng xương chậu sẽ được bác sĩ chỉ định sinh mổ ngay từ đầu vì khi đó sinh thường sẽ rất khó khăn và nguy hiểm.
Cân nặng của mẹ
Đương nhiên, cân nặng của thai nhi quá lớn sẽ khiến mẹ khó sinh hơn bình thường. Tuy nhiên, cân nặng của bản thân sản phụ cũng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sinh nở. Mẹ bầu sinh dễ hay khó, một phần là do cân nặng khi mang thai. Với những mẹ thừa cân, béo phì, cuộc sinh sẽ kéo dài và khó khăn hơn; ngược lại, những mẹ bầu với cân nặng chuẩn sẽ dễ sinh và “dai sức” hơn nhiều. Đó là lý do trong suốt thời gian bầu bí, mẹ chỉ nên bổ sung dinh dưỡng vừa đủ để kiểm soát cân nặng của mình và thai nhi. Tuyệt đối không ăn cho 2 người, không bổ sung quá nhiều năng lượng mà chỉ nên đảm bảo dinh dưỡng đa dạng và nạp năng lượng vừa đủ. Có như vậy em bé mới khỏe mạnh và mẹ sinh nở thuận lợi hơn.
Ngôi thai
Thông thường, ở những tháng cuối thai nhi sẽ quay đầu xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Những em bé mà đầu quay xuống phía ống sinh gọi là thai ngôi đầu sẽ chui ra ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số bé đến tháng cuối vẫn không chịu xoay đầu xuống mà mông bé hoặc các phần cơ thể khác hướng ra ống sinh (ngôi thai không thuận) sẽ khiến việc ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Tùy vào các tư thế của bé khi mẹ cận kề ngày sinh, bác sĩ sẽ tính toán và cân nhắc để đưa ra lời khuyên mẹ có thể sinh thường được không hay bắt buộc phải sinh mổ để đảm bảo an toàn.
Cân nặng và kích cỡ vòng đầu của thai nhi
Như đã nói ở trên, cân nặng của thai nhi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sinh của mẹ. Những em bé có cân nặng cao hơn nhiều so với chuẩn sẽ khiến mẹ phải “chật vật” để đẩy con ra ngoài. Những bé có cân nặng trong khoảng 3 – 3,5kg thì cuộc sinh của mẹ sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không chỉ cân nặng, một số bé có chu vi vòng đầu lớn cũng khó ra ngoài hơn những bé khác. Một số trường hợp em bé có trọng lượng bình thường như vòng đầu quá lớn nên mẹ vẫn được chỉ định sinh mổ.
Độ tuổi của mẹ
Theo các nghiên cứu, những mẹ bầu ở độ tuổi 22 – 29 là trong giai đoạn sinh nở thuận lợi nhất vì cơ thể đang “sung sức”, dẻo dai hơn. Nếu sinh nở quá sớm, cơ thể chưa phát triển đầy đủ hoặc mang thai khi tuổi đã cao, sức khỏe kém dần sẽ khiến người mẹ sinh nở khó khăn, dễ gặp các tai biến sản khoa không mong muốn. Do đó, để cuộc sinh nở dễ dàng, mẹ hãy lên kế hoạch mang thai trong độ tuổi được khuyến cáo (22 đến 29).
Tình trạng sức khỏe
Tập luyện thường xuyên và phù hợp không chỉ khiến sức khỏe của bà bầu được tăng cường mà còn giúp cơ thể đàn hồi tốt hơn, dẫn đến cuộc sinh nở nhanh chóng, dễ dàng và ít gặp các tổn thương hơn. Do đó, đừng bỏ qua việc tập luyện khi bầu bí, đồng thời học cách mát-xa vùng đáy chậu để cuộc đẻ diễn ra thuận lợi, mẹ bầu nhé!