Sa sinh dục là gì?
Sa sinh dục là một chứng bệnh chưa được nhiều người biết đến ở phụ nữ sau khi sinh con. Bệnh xảy ra khi vùng cơ ở xương chậu bị nhão, không còn đủ sức để nâng đỡ các cơ quan nội tạng như tử cung, bàng quang và vùng ruột, khiến các cơ quan này chảy xệ xuống vùng âm đạo, gây bất tiện cho sinh hoạt của người phụ nữ. Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là với những trường hợp sau đây.
1. Cơ sàn chậu yếu
Cơ sàn chậu yếu chính là một trong những nguyên nhân tất yếu dẫn đến bệnh sa sinh dục. Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ sản sinh ra một loại hormon có tên là relaxin. Hormon này sẽ làm mềm các dây chằng và gân tại sàn xương chậu. Cân nặng ngày một lớn của em bé cũng góp phần làm suy yếu thêm cho vùng cơ này. Bởi lẽ đó, sàn xương chậu của người mẹ sẽ ngày một yếu và khó duy trì khả năng nâng đỡ các cơ quan trong cơ thể như trước. Để hạn chế tình trạng nói trên, bạn nên tập thể dục đều đặn, tăng sức mạnh cho vùng cơ ở khu vực này.
Sa sinh dục là một chứng bệnh chưa được nhiều người biết đến ở phụ nữ sau khi sinh con. |
2. Sinh thường
Trong quá trình sinh thường, các cơ và dây chằng tại xương chậu và âm đạo sẽ bị kéo dãn để giúp em bé ra ngoài một cách thuận lợi.
Các cơ và dây chằng này sẽ suy yếu sau khi em bé chào đời do kéo dãn quá nhiều. Vì vậy sau khi sinh, bạn nên cân nhắc thực hiện một số bài tập cho vùng xương chậu để lấy lại sức mạnh cho những vùng cơ này. Ngoài ra, một số nhân tố khác trong quá trình sinh thường cũng có thể gia tăng nguy cơ sa sinh dục sau sinh như là rặn đẻ diễn ra trong thời gian dài (hơn 2 tiếng), em bé lớn (nặng hơn 4 cân), hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ khi sinh.
3. Lịch sử gia đình
Những người phụ nữ có thành viên trong gia đình (mẹ hoặc bà ngoại) đã từng mắc sa sinh dục sau sinh cũng có nguy cơ cao gặp phải căn bệnh này. Một dạng rối loạn liên quan đến gien có thể dẫn đến tình trạng các cơ liên kết dễ bị kéo dãn hơn khi mang thai hoặc sinh con.
4. Không nghỉ ngơi đầy đủ sau sinh
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ sau sinh thường phải trở lại hoạt động bình thường rất sớm. Không để cho cơ thể có thời gian bình phục, nghỉ ngơi đầy đủ sau sinh cũng là một nhân tố khiến người phụ nữ dễ gặp phải các chứng sa sinh dục. Thông thường, cơ thể của phụ nữ sẽ cần đến 9 tháng để phục hồi hoàn toàn. Trong 6 tuần đầu tiên, người mới sinh thậm chí không nên đặt chân xuống đất và di chuyển nhiều. Những hoạt động thông thường như việc nhà, hay thậm chí đi bộ cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến vùng xương chậu của bạn. Dù không thể tránh được mọi việc nhà nhưng các bà mẹ cũng không nên lao động quá sức, cần giữ gìn để đảm bảo sức khỏe cơ thể.
5. Đặt áp lực lên sàn xương chậu
Một trong những vấn đề thường gặp sau sinh là tình trạng táo bón ở người phụ nữ. Những vận động mạnh liên tục do tình trạng này gây ra sẽ tạo nhiều áp lực cho vùng xương chậu, ảnh hưởng không nhỏ đến vùng cơ tại đây. Một nguyên nhân khác có thể khiến vùng xương chậu gặp áp lực là các vận động nâng đỡ đồ nặng ở người mới sinh. Theo lời khuyên của các chuyên gia, phụ nữ sau sinh không được nâng bất cứ vật gì nặng hơn em bé của bạn trong giai đoạn hậu sản.
6. Tập thể dục không đúng lúc
Nhiều phụ nữ sau sinh vì muốn nhanh chóng lấy lại thân hình như trước nên đã sớm tập luyện giảm cân. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng cơ thể sau sinh vẫn cần thời gian để các cấu trúc bên trong được phục hồi và lành lặn. Việc tập luyện quá sớm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau, trong đó có các chứng bệnh sa sinh dục.
Thông thường, hormon làm mềm cơ xương chậu relaxin có thể ở lại trong cơ thể người phụ nữ 5 tháng sau khi sinh con. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ của bạn chưa thể lấy lại sức mạnh ngay lập tức sau sinh. Vì vậy, các bà mẹ nên tránh tuyệt đối những bài tập nặng, ví dụ như giậm nhảy hay đi bộ nhanh.
Sa sinh dục, chứng bệnh phiền phức của các bà mẹ
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Sa sinh dục có thể không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng lại mang đến rất nhiều phiền phức cho cuộc sống sinh hoạt của người phụ nữ sau sinh. |