Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, việc cho bé soi gương từ khoảng 3 tháng tuổi là một cách rất tốt để kích thích sự phát triển của bé, đặc biệt là não bộ.
Lợi ích của trò chơi qua gương
Trẻ sơ sinh rất thích và tò mò khi ngắm nhìn những hình ảnh phản chiếu của chính mình và mọi vật xung quanh trước gương. Thông qua đồ vật tưởng chừng như vô cùng bình thường và quen thuộc này, bé học được rất nhiều kĩ năng như cách phát âm, phát triển vốn từ vựng, khả năng nhận biết, cách kết hợp tay-mắt và nhờ đó, tư duy cũng như trí thông minh của bé cũng được tăng cường.
Nguyên tắc an toàn khi cho bé chơi với gương
– Gương phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh để bụi bẩn, vi khuẩn tấn công bé.
– Chọn loại gương không vỡ, không có cạnh sắc.
– Gương phải được gắn cố định trên tường hoặc một nơi nào đó chắc chắn.
– Khi cho bé lại gần tấm gương, luôn luôn phải có người lớn ở bên cạnh bé và để ý đến nhất cử nhất động của bé.
Thông qua gương, bé học được kĩ năng phát âm, phát triển vốn từ vựng, khả năng nhận biết, cách kết hợp tay-mắt và nhờ đó, tư duy cũng như trí thông minh của bé cũng được tăng cường. (Ảnh minh họa) |
Gợi ý những trò chơi với gương cho bé
Soi gương và chỉ tên các bộ phận
Bế bé đến lại gần gương và chỉ cho bé thấy khuôn mặt của bé trong đó. Chạm vào mũi bé, mắt bé, cổ bé, tai bé, trán bé,… và nói tên từng bộ phận mỗi khi bạn chạm đến bộ phận đó. Hiện tại bé chưa hiểu những lời bạn nói nhưng chắc chắn bé sẽ rất thích thú trước trò chơi này.
Trò chơi bắt chước
Làm mặt giận dữ, buồn bã, sợ hãi, ngớ ngẩn, buồn cười,… trước gương để bé nhìn thấy và mỗi lần làm một trạng thái cảm xúc mới, hãy đọc to tên của trạng thái đó lên, đồng thời dạy bé bắt chước theo. Điều này sẽ dạy cho bé cách làm theo hướng dẫn và sớm nhận diện được các trạng thái cảm xúc.
Trò chơi với thú bông
Dùng một món đồ chơi yêu thích của bé (gấu bông, thỏ bông,…) để chơi trò đóng kịch trước gương và mời bé tham gia vào vở kịch này.
Quan sát cảnh vật xung quanh qua gương
Mỗi lần đưa bé ra ngoài chơi, nếu đi ngang qua một chiếc gương (hoặc vật gì có tính phản chiếu), hãy dừng lại vài phút để bé ngắm nghía và khám phá. Bé sẽ có nhận thức hơn về thế giới xung quanh và dần mạnh dạn hơn ở nơi đông người.
Ngồi cùng bé trước gương và đọc truyện
Trong khi bố mẹ ngồi đọc, bé sẽ theo dõi cả hành động thực và hình ảnh phản chiếu trong gương để nhận ra những biểu cảm sinh động của bố mẹ rồi bắt chước theo.
Thực hành kĩ năng vận động
Bố mẹ có thể từ từ thổi bong bóng trước gương và để bé quơ tay “chụp lấy”. Đây là cách rất tốt để bé rèn luyện kĩ năng kết hợp tay-mắt.
8 hoạt động hàng ngày giúp trẻ sơ sinh thông minh hơn
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Nói lời tạm biệt đúng cách, ôm ấp bé, đưa bé đi dạo… sẽ giúp trẻ sơ sinh mỗi ngày học thêm được nhiều điều mới và phát triển não bộ. |