Bệnh tay – chân – miệng
Nên có biện pháp chủ động phòng tránh bệnh để trẻ không phải nghỉ học ngay đầu năm học mới. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương ở da và niêm mạc. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có các biểu hiện:
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương ở da và niêm mạc. |
– Sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-400C), đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.
– Loét miệng: Đó là các bóng nước có đường kính 2-3mm, vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc. Ở lòng bàn tay và lòng bàn chân xuất hiện các bóng nước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.
– Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, bệnh có thể biểu hiện không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh tay (cả trẻ và người chăm sóc trẻ) sạch sẽ bằng xà phòng và vệ sinh đồ chơi đúng cách.
Bệnh đường hô hấp
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), bệnh lý đường hô hấp là bệnh thường gặp khi sang thu, trẻ em càng dễ mắc.
– Viêm đường hô hấp trên hay gặp và khó chịu vì ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ. Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính.
– Viêm đường hô hấp dưới ít gặp gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Mùa này 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.
– Viêm phế quản gây khó thở, khò khè, ho nhiều, có đờm.
Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp vào mùa thu, các bạn cần giữ ấm cơ thế và đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Nhất là với trẻ nhỏ, vào sáng sớm và ban đêm cần chú ý giữ ấm, tránh mặc đồ quá dày kẻo mồ hôi ra nhiều dẫn đến nhiễm lạnh. Vệ sinh cá nhân, rửa rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi ngoài đường và các nơi công cộng.
Khi có những biểu hiện bệnh các thể như trên cần tới bác sỹ sớm để được dùng thuốc thích hợp, hạn chế tái phát.
Cảm cúm
Một bệnh thường gặp khi sang mùa thu khác là cảm cúm. Bệnh do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Người bệnh thường có biểu hiện nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn… Bởi vậy khi có các dấu hiệu, đặc biệt kèm theo sốt cao cần đi khám sớm để tránh biến chứng.
Virus cảm cúm dễ lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh. |
Virus cảm cúm dễ lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh. Do đó nên rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với những vật dụng trong nhà khi có người nhà bị cảm cúm để loại bớt tác nhân gây bệnh.
Ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi có thể tiêm phòng cúm cho bé mỗi năm một lần.
Nhiễm trùng đường tiểu
Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ mới đi học và xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Những buổi đầu đến trường, nhiều trẻ dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu do ngại đi vệ sinh chỗ lạ. Ngoài ra, nhiều trẻ nhịn đi tiểu, uống ít nước do khu vực vệ sinh ở trường học không sạch sẽ.
Nhiều bậc cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng bệnh nhiễm trùng đường tiểu đơn giản nhưng bệnh này sẽ khiến trẻ chịu nhiều ảnh hưởng như sốt kéo dài, chán ăn, không tăng cân. Do vậy , cha mẹ cần lưu ý nếu thấy trẻ đi tiểu ít, nước tiểu vàng hay són tiểu trong quần kéo dài.
Đồng thời, các bậc cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng lúc, tránh tình trạng nín nhịn và phải rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, đặc biệt đối với bé gái, mẹ cần phải hướng dẫn trẻ cách dùng giấy hợp vệ sinh để lau khô vùng kín đúng cách. Khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.
Bệnh tâm lý
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết một số trẻ lần đầu tiên đi học có biểu hiện sợ hãi như khóc la, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ sợ bạn bè trêu chọc nên cũng không chịu đi học. Ngoài ra, biểu hiện sợ xa mẹ cũng thể hiện thành những triệu chứng rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ. Những trẻ lo lắng sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu).
Cha mẹ cần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng bằng cách dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, giúp trẻ giao tiếp với bạn bè, tạo được sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ mau chóng hoà hợp với môi trường học đường.
Cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong năm học mới
Chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng, ngủ nghỉ của trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng cần thực hiện triệt để nhằm đảm bảo cho trẻ đủ sức khỏe cho quá trình học tập. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh từ bên ngoài vào cơ thể thông qua tiếp xúc tay miệng, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh khi ở nhà cũng như ở trường.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém trong việc phòng ngừa bệnh cho trẻ. Cha mẹ nên “đào tạo” cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm quan trọng như là trước khi ăn, sau khi ăn và khi đi vệ sinh… Nếu ở trường không có xà phòng diệt khuẩn, trẻ cũng nên có thói quen rửa tay với nước sạch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách theo 6 bước sau:
– Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
– Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
– Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
– Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
– Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
– Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
12 điều thú vị bố mẹ nên làm cùng con trước khi đi ngủ
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Thời điểm trước giờ ngủ là khoảng thời gian lý tưởng để bố mẹ và con cùng nhau chia sẻ về một ngày đã qua. |