Tập luyện, dinh dưỡng là chìa khóa để trẻ tăng sức đề kháng. Những việc này càng nên được chú trọng trong bối cảnh nhiều dịch bệnh, bao gồm Covid-19, lưu hành.

Trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng trở lại và người dân còn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh khác, không ít phụ huynh đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ con mình? Liệu có cách nào để tăng cường sức đề kháng, giúp con tránh khỏi Covid-19 và các bệnh khác?”.

Theo tiến sĩ y khoa Claire McCarthy, biên tập viên cao cấp tại Harvard Health Publishing (thuộc trường Y, ĐH Harvard), câu trả lời là có. Nữ chuyên gia cũng đưa ra một số biện pháp nhằm giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và mấu chốt nằm ở dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi và các biện pháp phòng ngừa.

Tăng cường dinh dưỡng

Trong bài viết trên Harvard Health Publishing, tiến sĩ McCarthy nhấn mạnh chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ nên đảm bảo trái cây, rau củ ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc. Khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ cũng bao gồm sữa hay nguồn canxi khác, chất béo lành mạnh, dầu thực vật.

Nói rõ hơn về tầm quan trọng của chế độ ăn uống, trên Cleveland Clinic, chuyên gia dinh dưỡng Julia Zumpano (Ohio, Mỹ) cho biết trái cây, rau củ cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và bệnh tật.

Bà gợi ý một số thực phẩm nên cho vào bữa ăn của trẻ như quả mọng, các loại rau xanh (súp lơ xanh, cải bina, cải xoăn, cải bẹ xanh…), trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…).

“Chúng rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng như vitamin A, C, E, B2, B6, K, kali, folate, magie, kali và kẽm”, bà nói.

Sữa cũng là nguồn dưỡng chất được các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ sử dụng mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch đồng thời phát triển khỏe mạnh. Theo Chế độ Ăn uống Khuyến nghị của Mỹ, sữa giúp trẻ đáp ứng nhu cầu về nhiều loại vitamin (A, B, D…), khoáng chất (canxi, photpho, kẽm…).

“Sữa là phần quan trọng trong chế độ ăn của trẻ nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu các lựa chọn của mình”, Otoniel Santiago, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Get Up & Go – Children’s Health, nhấn mạnh.

Thực tế, việc lựa chọn sữa cho trẻ cần căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi của trẻ, nguồn gốc, thành phần trong sữa. Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức sữa non của chuyên gia dinh dưỡng châu Âu, được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, phù hợp với đặc thù thể trạng trẻ em Việt Nam có thể là một trong những lựa chọn hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ trẻ phát triển tốt hơn.

Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, các chuyên gia còn khuyến cáo phụ huynh lưu ý hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm siêu chế biến, những món có đường bổ sung hay chứa chất béo không lành mạnh… Trong trường hợp muốn dùng chất bổ sung cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Để trẻ vận động hàng ngày

Liên quan đến việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ để chống lại Covid-19 cùng các bệnh tật khác, tiến sĩ McCarthy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố vận động.

Theo bà, tập thể dục giúp con người khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh. Vị chuyên gia cho hay trẻ em thực sự cần hoạt động trong một giờ mỗi ngày.

Cùng quan điểm, tiến sĩ y khoa Ranjit Chandra, nhà miễn dịch học nhi khoa tại Đại học Memorial of Newfoundland, cho hay nghiên cứu cho thấy tập thể dục làm tăng số lượng tế bào miễn dịch tự nhiên ở người lớn. Và hoạt động thường xuyên cũng mang lại lợi ích tương tự cho trẻ em.

suc de khang anh 2

Trẻ nên vận động khoảng một giờ mỗi ngày để tăng sức đề kháng. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

“Vận động không nhất thiết là trẻ phải chơi một môn thể thao hay đi đến phòng tập. Việc này có thể đơn giản là trẻ chơi đùa ở sân hoặc đi dạo. Việc cho trẻ tập thể dục quá một giờ/ngày cũng không hẳn là tốt”, tiến sĩ McCarthy nói thêm.

Bà lưu ý trong trường hợp trẻ muốn tập luyện nhiều hơn, cha mẹ cần đảm bảo bài tập đó không khiến con buồn ngủ hay kiệt sức.

Cả hai vấn đề này đều có thể ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch. Phụ huynh có nhiều cách để đảm bảo trẻ vận động thích hợp nhằm tăng sức đề kháng như cho con đi dạo công viên, tạo thói quen cả gia đình đi bộ vào buổi sáng hoặc tối, cùng trẻ chơi đuổi bắt, cố gắng đỗ xe ở xa khi đi mua sắm để khuyến khích con đi bộ. Họ cũng có thể đăng ký cho con tham gia các lớp yoga, nhảy phù hợp lứa tuổi.

Trong khi đó, tiến sĩ Renee Stucky, nhà tâm lý học lâm sàng ở Columbia, Missouri, Mỹ, cho rằng không chỉ khuyến khích trẻ vận động để tăng sức đề kháng lúc nhỏ, cha mẹ cần tạo cho con thói quen tập thể dục suốt đời. Để làm được vậy, phụ huynh nên là tấm gương và ưu tiên tổ chức các hoạt động gia đình.

“Thay vì chỉ thúc giục con ra ngoài chơi, cha mẹ hãy tập thể dục con. Các hoạt động vui chơi dành cho gia đình bao gồm đạp xe, đi bộ đường dài, trượt patin, bóng rổ và quần vợt”, tiến sĩ Stucky nói.

Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng

Các chuyên gia cũng cho rằng chế độ nghỉ ngơi và tình trạng căng thẳng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ở trẻ.

Tiến sĩ y khoa Kathi Kemper, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Nhi khoa Toàn diện tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ), giải thích thiếu ngủ làm suy giảm số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) – vũ khí của hệ thống miễn dịch tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư.

Trong khi đó, tiến sĩ McCarthy cho hay cơ thể cần đến giấc ngủ để nạp lại năng lượng. Bà cũng cho biết căng thẳng khiến cơ thể kém khỏe mạnh, dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì vậy, trẻ em thực sự cần thời gian nghỉ ngơi, giải trí phù hợp để có tâm trạng tốt. Cha mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tâm sự về những việc làm con lo lắng và giúp con vượt qua các cảm xúc tiêu cực.

Giấc ngủ đầy đủ vừa có thể góp phần mang lại cho trẻ tâm trạng tốt hơn vừa đảm bảo cơ thể có thời gian để hồi phục, duy trì sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch. Thời gian ngủ thích hợp cho trẻ thay đổi theo độ tuổi.

suc de khang anh 3

Ngủ đủ giấc giúp trẻ nạp lại năng lượng, đảm bảo sức đề kháng. Ảnh: Pexels.

Trẻ sơ sinh cần ngủ 12-16 tiếng/ngày. Trẻ em, trẻ vị thành niên nên ngủ 8-10 tiếng/ngày. Bà McCarthy lưu ý một số trẻ có thể cần ngủ nhiều hơn trẻ khác.

“Phụ huynh có thể khuyến khích giấc ngủ lành mạnh bằng cách hạn chế cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ nên tắt các thiết bị 1-2 giờ trước khi ngủ, tốt nhất là không đưa chúng vào phòng ngủ trong buổi tối. Trẻ cũng nên tuân thủ lịch trình đi ngủ đều đặn”, bà gợi ý.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa

Một biện pháp khác tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là tiêm vaccine. Các loại vaccine đã chứng minh được hiệu quả trong việc giúp trẻ phòng ngừa nhiều loại bệnh tật. Phần lớn quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có chương trình chủng ngừa cho trẻ. Các loại vaccine phổ biến gồm Sởi, Quai bị, Rubella (MMR), thủy đậu, bại liệt, viêm gan…

Khi dịch Covid-19 bùng phát, trẻ em cũng trong nhóm đối tượng được tiêm vaccine. Vì thế, để đảm bảo sức đề kháng, trẻ đủ điều kiện nên tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường nếu đã quá 6 tháng.

Ngoài ra, tiến sĩ Claire McCarthy khuyến khích các gia đình, đặc biệt những ai có con nhỏ, thực hiện những biện pháp phòng ngừa đơn giản như giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, dùng khuỷu tay để che miệng khi ho và hắt hơi.

Khi số ca mắc Covid-19 tăng và trẻ đến nơi đông đúc, tiến sĩ McCarthy khuyến cáo cha mẹ cho con đeo khẩu trang để bảo vệ mình.

Theo Hoàng Linh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link