Đa số các ông bố, bà mẹ đều hi vọng, mong muốn con mình sẽ là những người lớn thành đạt và có công việc tốt. Và đương nhiên, rất nhiều người sẽ mặc định rằng thành công nghĩa là có một địa vị, kiếm được mức lương ‘khủng’ hay nổi tiếng trong lĩnh vực nào đó, v.v… Có lẽ vì thế, tại nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, chúng ta vẫn nghe thấy các bậc phụ huynh nói chuyện với con cái của họ rằng ‘Ước mơ của con là gì? Trở thành diễn viên nổi tiếng? Trở thành kiến trúc sư? Hay là giám đốc nhỉ?’ … Vô hình chung, bố mẹ đã áp đặt kì vọng của bản thân vào ước mơ con trẻ lúc nào không biết!
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng những điều mình vẫn muốn con làm, yêu cầu con làm thực sự là cho mình hay cho con chưa? Và bạn cũng đã có lần tâm tình với trẻ ‘Con thực sự ước muốn gì?’ rồi chứ?
Sinh nhật hằng năm, mỗi khi thổi nến, con ước gì? Bạn ước gì? (Ảnh minh họa)
Tôi may mắn được nghe người bạn là một cô giáo chia sẻ câu chuyện như thế này. Cô giáo ấy kể cho học sinh 6 – 7 tuổi nghe câu chuyện về nhân vật nhỏ được may mắn nhận ba điều ước từ một ông tiên. Cô không kể ngay cái kết của truyện mà dừng lại hỏi học trò ‘Theo các con, cậu bé trong truyện đã ước điều gì? Hãy nói thầm với bạn bên cạnh điều ước mà con nghĩ.’
Thật thú vị là các câu trả lời đều không giống sự tưởng tượng của cô giáo. Bạn có đoán được các câu trả lời của những bạn nhỏ trong câu chuyện trên không? Tôi chỉ xin liệt kê một số điều ước thôi nhé!
Bạn ấy ước được đi chơi với bố mẹ cả ngày!
Bạn ấy ước có một con chó.
Bạn í ước được trở thành bác bảo vệ.
…
Lạ quá. Có vẻ buồn cười quá nhỉ. Bạn có đoán được tại sao không?
Cô giáo: Sao con nghĩ bạn ấy lại ước trở thành bác bảo vệ?
Học sinh: Ừ, tại vì làm bác bảo vệ rất thích ạ!
Cô giáo: Thích như thế nào con nhỉ?
Học sinh: Bác bảo vệ có thể bảo vệ mọi người, ngăn kẻ xấu… Như bác bảo vệ ở trường mình í cô!
Cô giáo: Ồ, hay quá! Tặng con 1 điểm thưởng vì con đã chia sẻ ý tưởng thú vị này!
Thì ra, nếu chỉ nghe nói ‘Ước mơ trở thành bác bảo vệ’, nhiều người sẽ thấy nó rất bình thường, thậm chí có người còn cho là ‘tầm thường’. Nhưng khi đọc câu trả lời của cậu học sinh trên, bạn thấy không, rõ ràng cậu bé 6 tuổi này không chỉ có kĩ năng quan sát tốt mà còn rất biết quan tâm đến mọi người và có trách nhiệm.
Qua câu chuyện của cậu bé trên, tôi hiểu thêm rằng nếu được tự do sáng tạo và suy nghĩ, trẻ sẽ rất có trách nhiệm với suy nghĩ của chính mình. Còn chúng ta, những bậc làm cha mẹ, nếu áp đặt trẻ ‘Con ơi, sau này con sẽ làm …’ thì có phải cơ hội trong tương lai có một ngành nghề – chưa – bao – giờ – xuất – hiện đã biến mất ?
Do vậy, với con, với trẻ, bạn hãy thử:
– Kiên nhẫn lắng nghe con trẻ thao thao bất tuyệt về những điều con nói, thậm chí là các ước – muốn – không – thực – tế của con. Tôn trọng những mong ước của con cho dù bạn thực sự không đồng ý.
– Khuyến khích, khen ngợi con khi con giải thích những điều tích cực liên quan đến ước mơ đó. Hướng con đến những điều tích cực khi con nói về ước mơ của bản thân.
– Cùng con trẻ chơi đóng vai và làm những thứ mà con thích/ con nghĩ ra liên quan đến ước mơ để giúp con hiểu hơn về những mong ước của mình.
– Thường xuyên hỏi thăm con trẻ về ước mơ của con, bởi trẻ con có xu hướng thay đổi ước mơ nhanh chóng.
Chúc các bạn sẽ luôn có thời gian tuyệt vời bên con và tiếp tục khám phá thêm nhiều điều bất ngờ, thú vị từ con trẻ nhé!
Kiểu cha mẹ dễ nuôi được con thành đạt sau này
(Làm Mẹ) – Các nhà khoa học đã thống kê được 6 kiểu phụ huynh dưới đây sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc nuôi dạy được những em bé thành đạt sau này. |