Những em bé sinh ra vào mùa hè nhiều khả năng đã nặng hơn từ khi mới sinh, lớn lên sẽ cao hơn, nhìn chung là có sức khỏe tốt hơn. – Đây là kết quả một nghiên cứu mới đây từ Đại học Cambridge, Anh Quốc.
Các chuyên gia từ Bộ phận Dịch tễ học – Hội đồng Nghiên cứu Y học (MRC) kết luận: Sự khác biệt này có thể do mẹ được tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn khi mang thai. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các xét nghiệm khác.
Nghiên cứu có hơn nửa triệu người tham gia, tìm hiểu sự tăng trưởng-phát triển của đàn ông cũng như phụ nữ Anh, và được xuất bản trên chuyên trang Heliyon.
Tiến sĩ John Perry, tác giả đứng đầu nghiên cứu và là nhà khoa học điều tra cao cấp cho hay: “Thời điểm bạn được thụ thai và sinh ra xảy ra gần như là ‘ngẫu nhiên’, không bị tác động bởi tầng lớp xã hội, sức khỏe hay tuổi tác của cha mẹ. Vì vậy, tìm kiếm kiểu mẫu của tháng sinh là phương pháp hay nhằm xác định ảnh hưởng của môi trường trước khi sinh.”
Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận ảnh hưởng của mùa sinh tới sức khỏe và cân nặng, chính điều này đã khiến Tiến sĩ Perry và cộng sự tiến hành xem xét thời gian dậy thì – một liên kết quan trọng giữa sức khỏe những năm tháng đầu đời và sau này – một cách kỹ lưỡng hơn.
Kết quả nghiên cứu tiết lộ: Trẻ sinh vào các Tháng 6, 7, 8 thì nặng hơn lúc mới sinh và cao hơn khi trưởng thành.
Trẻ sinh vào mùa hè (Tháng 6, 7, 8) thì nặng hơn lúc mới sinh và cao hơn khi trưởng thành – Nghiên cứu chỉ ra. Ảnh: Getty Images |
Nghiên cứu cũng cho thấy: Các bé gái sinh mùa hè sẽ dậy thì muộn hơn, mà dậy thì muộn là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tốt hơn trong tương lai.
“Đây là lần đầu tiên ghi nhận thời gian dậy thì có liên quan mạnh mẽ tới mùa sinh” – Tiến sĩ Perry nói. “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên, và vui mừng, khi thấy mô hình giữa cân nặng khi sinh và thời gian dậy thì giống nhau đến vậy.”
“Kết quả nghiên cứu cho thấy tháng sinh có ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển và sức khỏe, tuy nhiên cần đào sâu hơn nữa nhằm hiểu được cơ chế đằng sau hiện tượng này”.
Những em bé sinh vào Tháng 12, 1, 2 – các tháng lạnh nhất trong năm – thường nhẹ cân hơn khi sinh, lùn hơn khi trưởng thành và bước vào dậy thì sớm hơn.
Các nhà nghiên cứu kết luận, môi trường trong tử cung dẫn đến sự khác biệt trong những năm tháng đầu đời, kể cả giai đoạn trước khi sinh lẫn sự phát triển xuyên suốt từ thời thơ ấu và tuổi trưởng thành.
Họ cho rằng mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (làm sản sinh vitamin D) trong kỳ ba tháng thứ hai của thai kỳ có thể giải thích hiệu ứng này.
“Chúng tôi không biết các cơ chế nào gây ra các kiểu mẫu mùa sinh về cân nặng, chiều cao khi sinh và thời gian dậy thì” – Tiến sĩ Perry cho biết.
“Chúng ta cần phải hiểu các cơ chế này trước khi kết quả nghiên cứu có thể mang lại hiểu biết về nâng cao sức khỏe… Theo chúng tôi, tiếp xúc với vitamin D rất quan trọng. Hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ khuyến khích các nghiên cứu khác về tác động lâu dài vitamin D trong những năm đầu đời tới thời gian dậy thì và sức khỏe.” – Ông nói thêm.
Người đàn ông mang 2 bộ gen, là… bác của con trai mình
(Xã hội) – (Phunutoday) – Có thể khi xưa, mẹ ông đã mang song thai nhưng người anh em bị chết lưu và người đàn ông đã “hấp thụ” ADN của người kia khi còn trong bụng mẹ. |