Khóc đêm – khóc dạ đề là gì?
Khóc đêm là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, ban ngày trẻ vẫn bình thường nhưng lại khóc vào ban đêm. Dân gian thường gọi là “khóc dạ đề”.
Mỗi khi đêm đến là trẻ bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, ngủ không yên; hoặc trẻ đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Phần nhiều trẻ khóc từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, nhưng cũng có trường hợp trẻ khóc lè nhè suốt cả đêm. Khi trời sáng thì trẻ hết khóc và bắt đầu thiếp vào giấc ngủ.
Trẻ quấy khóc ban đêm không chỉ khiến bố mẹ lo lắng, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Theo y học hiện đại, hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một yếu tố nào đó làm nhu động ruột tăng lên, không đều, gây đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì thôi.
Thời gian khóc thường kéo dài từ 5 phút đến 30 phút và có thể lặp lại hằng đêm, ban ngày trẻ vẫn ăn và ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường.
Theo các bác sĩ, hiện tượng khóc về đêm có thể xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên chỉ một số trường hợp là khóc dạ đề thực sự, còn hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương hoặc bệnh lồng ruột.
Những nguyên nhân thông thường khiến trẻ quấy khóc về đêm
Theo các chuyên gia nghiên cứu thì ngoài nguyên nhân khóc đêm là khóc dạ đề hoặc do một số bệnh lý, còn có các nguyên nhân khác như:
Trẻ mọc răng
Giai đoạn này đi kèm theo sốt gây khó chịu cho cơ thể khiến trẻ mất ngủ và quấy khóc liên tục.
Khi bé bắt đầu mọc răng và đến giai đoạn được hai tuổi răng sẽ mọc đủ. Hãy để ý đến phần gò má, cằm, nướu nếu thấy bị sưng đỏ, có sốt nhẹ, hoặc bé hay khóc đêm… lúc đó nên nghĩ ngay nguyên nhân mọc răng gây đau cho bé.
Trẻ mọc răng thường bị sốt nhẹ, đau nhức dẫn đến quấy khóc (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Các bác sĩ kiến nghị nên dùng biện pháp chườm lạnh cục bộ để giảm bớt sự khó chịu cho bé, khi răng bé mọc dài ra thì giấc ngủ trẻ sẽ về trạng thái cũ.
Trẻ ăn quá no
Trẻ khóc vì khó chịu do đầy bụng, chướng bụng hoặc đau bụng. Điều này khiến cho bụng bé khó chịu khó tiêu khiến bé không ngủ được dẫn đến quấy khóc về đêm.
Trường hợp này chủ yếu liên quan đến hệ tiêu hóa của trẻ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa khiến chướng bụng, dễ đau bụng khó chịu và hay quấy khóc.
Trẻ khát hoặc đói
Nguyên nhân này cũng thường gặp ở trẻ do sự lơ là của người chăm sóc khiến cho trẻ chỉ biết khóc để gây sự chú ý. Với trẻ dưới 1 tuổi thường hay tỉnh dậy vào ban đêm, nếu cho trẻ bú sữa hoặc uống nước trẻ sẽ ngủ tiếp.
Phòng ở ẩm thấp, nóng bức hoặc quá lạnh
Ngoại cảnh-môi trường tác động không nhỏ tới sức khỏe của trẻ nhất là phòng ở, nếu quá ẩm thấp hay nóng bức dễ gây cho trẻ mắc các bệnh do vi khuẩn, dẫn tới hiện tượng khóc kéo dài ở trẻ.
Bé cần được ngủ trong phòng thoáng mát, nhiệt độ vừa phải để không quấy khóc (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Nhiệt độ phòng ngủ của bé phải được điều chỉnh sao cho thích hợp, không nên nóng quá hay lạnh quá, nên mặc áo ấm hơn là đắp mền cho bé vì bé hay đạp bỏ mền khi ngủ sẽ dễ bị cảm lạnh. Bé cũng dễ thức đêm quấy khóc do hô hấp của bé gặp khó khăn.
Thiếu ánh nắng mặt trời- thiếu vitamin D
Ánh nắng là một trong những nguồn tổng hợp vitamin D hiệu quả cho trẻ nhưng một số bà mẹ lại “giữ con” quá khiến trẻ không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thiếu vitamin D sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh về xương ngoài ra còn dẫn đến hiện tượng biếng ăn và hay quấy khóc về đêm ở trẻ.
Trẻ biếng ăn, thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến quấy khóc về đêm (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Khi ngủ bé tiểu dầm
Khi tã lót ướt sũng vì nước tiểu, bé sẽ ngủ không ngon giấc, lăn qua lăn lại, quấy khóc… Do đó, cần thay tã cho bé kịp thời, trước khi ngủ khoảng nửa tiếng đồng hồ không nên cho bé uống quá nhiều nước, nếu không sau khi ngủ khoảng từ nửa tiếng đến 2 tiếng đồng hồ sau bé sẽ đi tiểu từ 3 – 4 lần.
Ngoài ra, nếu bạn đã nắm rõ quy luật tiểu đêm của bé, bạn cũng có thể chủ động trong việc thay trước tã cho bé, điều này vừa tránh cho bé khó chịu dẫn đến quấy khóc mà cũng vừa bảo đảm giấc ngủ cho cả người lớn.
Tiếng động xung quanh bé
Tiếng ồn hay âm thanh bất ngờ phát ra khi bé đang ngủ có thể đánh thức bé khiến bé bị giật mình và quấy khóc. Do đó nên cố gắng giữ phòng ngủ được yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn hay âm thanh lớn hay khi lựa chọn phòng ngủ cho bé nên chọn vị trí yên tĩnh để trẻ có giấc ngủ sâu.
Tâm trạng của người mẹ
Đây cũng là một yếu tố có thể khiến bé hay khóc đêm. Mẹ có tâm trạng bất ổn, như tức giận, buồn phiền, mất ngủ, lo lắng… cũng rất dễ lây sang cho bé.
Hoạt động nhiều
Ở trẻ nhỏ, hệ thống thần kinh phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém. Bởi vậy, những hoạt động quá sức vào ban ngày có thể làm cho não bộ bé vẫn còn trong trạng thái hưng phấn, khiến trẻ đột nhiên la khóc khi đang ngủ.
Vì thế, ban ngày và nhất là vào buổi tối, không nên để trẻ hoạt động vui chơi quá mức nhằm bảo đảm giấc ngủ của trẻ được an lành.
Những việc bố mẹ làm cản trở khả năng phát triển trí tuệ của bé
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Mỗi đứa trẻ sinh ra đã là một thiên tài, nhưng những việc làm của bố mẹ vô tình cản trở quá trình phát triển trí thông minh của bé. |