Con người chúng ta thường ăn 3 bữa/ngày: sáng, trưa và tối. Nhưng có lẽ với đa số, đó chỉ là các bữa… cơ bản thôi. Ngoài ra thì đói lúc nào, ăn lúc ấy. Đôi khi chẳng đói cũng ăn, vì đó là ăn vặt mà.
Ăn vặt rất vui, thực sự vui, thế nên rất nhiều người trong chúng ta muốn làm điều đó. Tuy nhiên, hệ quả để lại thì không vui vẻ gì cho cam.
Ăn vặt không làm chúng ta bớt đói
Chúng ta thường có cảm giác đói vào khoảng thời gian giữa ngày và theo thói quen, ta sẽ tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể lấp đầy dạ dày như bánh, kẹo, trà sữa…
Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng đã chứng minh rằng, ăn uống kiểu ấy không hề khiến cơ thể chúng ta no, vì nó không cung cấp đủ dưỡng chất. Chính xác hơn, nó chỉ tạo ra cảm giác no tạm thời và cơn đói sẽ quay lại ngay sau đó.
Ngược lại, các bữa ăn chính với đủ dinh dưỡng (đạm, béo, chất xơ và rau xanh) không chỉ giúp bạn cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động mà còn làm giảm các hormone gây đói.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng thay vì nạp vào cơ thể một lượng calorie không hề có lợi từ các loại đồ ăn vặt, hãy cố gắng ăn thật đủ vào các bữa chính.
Và quan trọng hơn: Ăn vặt khiến cân nặng ngày càng tăng
Sau một bữa ăn, cơ thể bạn phải khởi động một quá trình tiêu hóa rất phức tạp để phá vỡ và giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng. Quá trình này thông thường mất đến 6 giờ.
Khi bạn tiếp tục nạp đồ ăn vào cơ thể bằng việc ăn vặt, hệ tiêu hóa của bạn phải hoạt động hết công suất để tiếp tục khởi tạo một quá trình mới, trong khi quá trình tiêu hóa trước đó vẫn chưa hoàn thành. Điều này khiến cho việc chuyển hóa thức ăn thành dinh dưỡng bị ảnh hưởng, khiến cơ thể khó hấp thụ dưỡng chất, và từ đó lưu giữ các chất béo dẫn đến việc tăng cân.
Ngoài ra, nó còn làm giảm khả năng đốt mỡ thừa – thủ phạm khiến bạn không bao giờ giảm được cân dù cố gắng tập “như điên”.
Đồ ăn vặt cũng chứa rất nhiều Carbohydrate. Vì thế mà khi ăn quá mức, chúng có thể dẫn đến nguy cơ béo phì hoặc tiểu đường, kèm theo rất nhiều các rối loạn như gây ra các cơn đói cồn cào, và cảm giác thèm những đồ ăn có lượng Carbs cao.