Nấu thịt, hải sản ở nhiệt độ trên 70 độ C, rửa kỹ rau củ quả hay nấu chín hải sản sẽ giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ khoa chăm sóc đặc biệt Huang Xuan (người Đài Loan) cho biết sự nóng lên toàn cầu trong mùa hè năm nay là một trong số những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Nhiệt độ cao đẩy nhanh quá trình phát triển và sinh sản của vi khuẩn, khiến đồ ăn rất dễ bị hư hỏng, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý đến các thao tác sơ chế, chế biến đồ ăn trong mùa hè, tránh để thực phẩm nhiễm khuẩn như khuẩn salmonella vừa gây ra vụ ngộ độc cho hơn 500 người ở tiệm bánh mì thành phố Đào Viên. Bác sĩ Huang cũng đưa ra một số lưu ý khi nấu ăn.
1. Thịt, hải sản, trứng và các sản phẩm từ sữa
Những thực phẩm này khi còn sống hoặc nấu chưa chín có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh như Salmonella, E. coli, Listeria và virus viêm gan A, có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không được tiệt trùng.
Giải pháp là làm nóng kỹ thức ăn sao cho nhiệt độ đạt 70 độ C và giữ trong ít nhất hai phút, lưu ý phải làm nóng đều món ăn từ trong ra ngoài, không để khu vực nào có nhiệt độ thấp hơn.
2. Trái cây và rau củ tươi
Một số loại trái cây và rau củ tươi cũng có thể bị nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón, phân động vật, nước thải, hoặc bị nhiễm vi sinh vật như Piriflagellates và Norovirus, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Giải pháp là rửa kỹ bề mặt của trái cây bằng nước chảy dưới vòi và cố gắng gọt vỏ hoặc loại bỏ lớp bên ngoài
3. Thực phẩm ăn liền
Thực phẩm ăn liền như đồ đóng hộp, thực phẩm lên men và bánh mì sandwich có thể chứa vi khuẩn sinh độc tố như ngộ độc thịt, Staphylococcus aureus và Shigella hoặc có thể được xử lý bởi các công cụ không hợp vệ sinh, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Giải pháp là chú ý đến điều kiện bảo quản và thời hạn sử dụng, không ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc đổi màu và ăn càng sớm càng tốt sau khi mở.
4. Động vật có vỏ và các loại hải sản khác
Động vật có vỏ như ốc, nghêu, sò, hến, hàu… có thể chứa các chất có hại, độc tố như Vibrio, Vibrio parahaemolyticus, nếu ăn sống hoặc đun không kỹ có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Giải pháp là hạn chế ăn sống, tốt nhất là nên làm chín bằng cách hấp, nướng, bỏ lò. Nếu ăn sống, cần chọn những địa chỉ chế biến đảm bảo về nguồn cung cấp thực phẩm.
5. Cẩn thận các loại thực phẩm dễ ngộ độc
Cuối cùng, Huang Xuan nhắc nhở rằng ngoài những thực phẩm có khả năng gây ngộ độc thực phẩm trên còn có một số đồ ăn cần chú ý như khoai tây nảy mầm, nấm dại, cá nóc, các loại hải sản hay thịt động vật lạ, không nên ăn tùy tiện.
Bác sĩ Huang Xuan cho biết, nếu gặp các triệu chứng sau đây, tốt nhất nên đi khám bác sĩ ngay:
– Các triệu chứng hệ thần kinh như mờ mắt, yếu cơ và ngứa ran trên da
– Mất kiểm soát hành vi
– Sốt từ 39,4 độ C trở lên
– Đi tiểu thường xuyên
– Tiêu chảy kéo dài trên ba ngày
– Có các triệu chứng mất nước, bao gồm khát nước quá mức, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng.
Nếu bị các triệu chứng trên, trước tiên bạn nên kịp thời bổ sung nước và chất điện giải để tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng, sau đó phải đi khám kịp thời để tránh các biến chứng nặng.
Theo Hà Nguyên (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H