Cà tím rất dễ bị ngấm nhiều dầu khi xào, không tốt cho sức khỏe, do đó bạn cần đảo trên chảo tới khi mềm mới cho chút dầu.
Cà tím là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, chứa kali, vitamin C và B6, ngừa ung thư, chống oxy hóa, kiểm soát tốt lượng đường trong máu, hỗ trợ giảm cân hiệu quả, tăng cường trí não. Tuy nhiên, chế biến cà tím cần phải lưu ý do chất bổ dưỡng rất dễ mất đi hoặc ảnh hưởng đến kết cấu món ăn nếu làm theo cách thông thường như luộc hay chiên (bao gồm cả nồi chiên không dầu). Thịt của cà tím có thành mỏng xốp, cấu trúc tương đối lỏng lẻo, giàu nước. Khi gặp nhiệt độ cao, mô cùi của cà tím sẽ bị vỡ ra, nước trong tế bào bị bốc hơi, dầu ăn dễ ngấm ngược vào trong, nếu ăn nhiều không tốt cho người bị bệnh tim mạch, huyết áp.
Giáo sư Huang Tsung-lung tại Đại học Khoa học và Công nghệ Chang Gung của Đài Loan chỉ ra cách chế biến khoa học, đầu tiên cắt cà tím thành dải hoặc miếng (lưu ý không gọt vỏ), sau đó làm nóng chảo, vặn lửa vừa và đun nhỏ lửa, cho cà tím vào đảo từ từ, khi cà bắt đầu mềm có thể cho thêm một ít dầu và nấu cùng các nguyên liệu khác như thịt băm, hành để cà tím không bị ngấm nhiều dầu, giữ được hương vị nguyên bản, không bị giảm mùi vị như luộc hoặc chiên.
Master Huang nói thêm nếu bạn vẫn muốn chiên cà tím, hãy rửa rồi để cà tím ráo nước, sau đó phủ một lớp bột mì lên bề mặt trước khi chiên. Điều này cũng có thể làm giảm khả năng dầu. Cũng theo giáo sư, khi nấu cà tím, cần lưu ý một vài mẹo nhỏ:
1. Giữ nguyên vỏ
Nên giữ lại vỏ cà tím khi nấu vì vỏ cà tím rất giàu vitamin nhóm B và anthocyanin – hai chất quan trọng, tốt cho sức khỏe.
2. Không nên loại bỏ dầu hoàn toàn
Dù việc ngấm quá nhiều dầu ăn là không tốt, cà tím vẫn nên cho một lượng nhỏ dầu ăn khi chế biến. Cà tím chứa vitamin A nhưng đây là chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, khi hấp hoặc chiên nên cho thêm một ít dầu (lượng nhỏ) để tăng cường hấp thu vitamin A.
3. Không nên luộc
Không nên luộc cà tím với nước vì các chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, vitamin C và anthocyanin dễ bị hòa tan trong nước.
4. Không nên chiên ở nhiệt độ cao hoặc nấu quá lâu
Nếu chiên quá lâu hoặc quá nóng, chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy, vitamin bị thất thoát một lượng lớn, tránh nấu quá 15 phút.
5. Có thể bị ngộ độc nếu ăn sống
Ăn cà tím sống là việc không được khuyến khích bởi chúng chứa solanine, gây tê miệng, ợ nóng, tiêu chảy, ngộ độc. Cà tím càng già hàm lượng chất này càng cao.
6. Không nên ngâm cà tím trong nước muối lâu
Nhiều người cho rằng ngâm rau củ quả nói chung trong nước muối tốt nhưng theo giáo sư Huang nếu ngâm quá lâu, chất dinh dưỡng của cà tím sẽ bị mất đi và thuốc trừ sâu có thể thấm ngược trở lại vào bên trong. Các ion natri trong nước muối có thể đi vào cà tím, gây tác dụng phụ đối với những người mắc bệnh thận. Hơn nữa, nước muối sẽ khiến mùi vị cà tím mất ngon.
Theo Hà Nguyên (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H