Không ít người thường mua thịt với số lượng nhiều. Cách này rất thuận tiện cho những gia đình có nhiều người, hoặc quá bận không có thời gian đi chợ. Mua số lượng nhiều cũng có thể tiết kiệm tiền hơn.
Thịt thường được bảo quản bằng cách cho vào ngăn đá tủ lạnh. Không nên để một tảng thịt lớn vào trong ngăn đá. Nên chia thịt ra thành nhiều miếng nhỏ hơn, theo Health24.
Ngoài ra, cần phải dùng bịch để gói lại trước khi để vào ngăn đá. Vì nếu không, thịt rất dễ bị hiện tượng cháy lạnh. Hiện tượng này xảy ra khi thực phẩm bị mất nước trong quá trình bảo quản ở ngăn lạnh. Thịt bị cháy lạnh thường có màu xám hoặc thâm. Tuy nhiên, nêu gói lại thì cũng không nên bọc nhiều hơn 4 lớp.
Một sai lầm mà nhiều người dễ mắc, đó là bỏ thịt vào ngăn đá khi thịt còn ấm, đặc biệt là với gia cầm vừa giết mổ. Không bao giờ nên làm như thế. Cần phải rửa sạch thịt để làm giảm nhiệt độ của thịt rồi mới bỏ vào tủ lạnh.
Nếu đã cho thịt vào ngăn đá và đóng băng thì khi rã băng không nên tiếp tục bỏ vào ngăn đá nữa. Vì cách này có thể dễ gây ngộ độc thực phẩm. Nếu muốn tiếp tục bảo quản thịt thì hãy nấu, chế biến thịt rồi mới tiếp tục để vào ngăn đá trở lại, các chuyên gia cho biết.
Khi muốn rã đông, mọi người có thể chuyển thịt từ ngăn đá xuống ngăn lạnh và để qua đêm. Nếu làm cách này vào buổi tối thì thịt có thể rã đông vào sáng hôm sau. Một cách khác là mang ra để bên ngoài không khí. Tuy nhiên, vào những tháng mùa hè nắng nóng, cách này có thể khiến thịt dễ bị hư khi để ngoài không khí quá lâu.
Các chuyên gia cũng lưu ý nếu muốn bỏ vào ngăn đá để bảo quản thực phẩm đã nấu chín thì cần phải để nguội thực phẩm trước khi bỏ vào ngăn đá. Cách này có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.
Cho dù là bất kỳ loại thịt nào thì thời gian đông lạnh tối đa cũng là 6 tháng. Vì nếu để quá lâu, mỡ sẽ xuất hiện mùi hôi. Những loại nội tạng như gan, thận không được đông lạnh quá 3 tháng, theo Health24.