Tại Mỹ, có khá nhiều những vụ án bí ẩn cho đến nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Một trong số những vụ án bí ẩn chính là vụ án liên quan đến danh tính của một cậu bé chết trong thùng carton đã “đánh đố” các nhà điều tra qua nhiều thập kỷ.
“Cậu bé trong hộp” là ai?
Ngày 25 tháng 2 năm 1957, người ta phát hiện thấy một thùng carton khá lớn được bỏ lại ở bãi rác trên đường Susquehanna (gần khu Fox Chase, Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ). Bên trong chiếc hộp là một xác bé trai chừng 4-5 tuổi, nằm ngửa, trần truồng với vô số vết bầm dập trên khắp cơ thể, nhiều nhất ở trên đầu và mặt.
Đứa trẻ nằm trong chiếc hộp là ai? Nó đã chết như thế nào? Đó chỉ là một tai nạn thương tâm hay là một tội ác giết người dã man? Hung thủ là ai? Suốt 5 thập kỷ qua, chưa ai trả lời được những câu hỏi này! Và câu hỏi cơ bản nhất, “Nạn nhân là ai” vẫn chưa có lời đáp. Vụ án “Boy in the box” (tạm dịch: đứa trẻ nằm trong chiếc hộp) được đánh giá là một trong những vụ án vô vọng nhất của thế kỷ 20.
Nạn nhân được xác định cao tầm 40 inches, nặng 30 pound, mắt xanh da trời, tóc xoăn, da xanh xao. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé ước chừng khoảng hơn 4 tuổi. Cảnh sát Philadelphia khẳng định: “Chúng tôi sẽ sớm tìm ra danh tính của nạn nhân trong nay mai thôi”. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau thì họ nhận ra vụ án này không hề đơn giản. Hàng trăm, hàng nghìn poster in ảnh và những bản mô tả đặc điểm nhận dạng của đứa trẻ được phát đi, dán trắng các ngả đường, con phố cũng như ở các siêu thị, công sở khắp Philadelphia. Tuy nhiên, vẫn không ai biết đứa trẻ là ai.
Tất cả những vật chứng cảnh sát Philadelphia tìm thấy chỉ gồm có: chiếc hộp chứa thi thể nạn nhân, một chiếc chăn cũ bị xé làm đôi, một chiếc mũ màu xanh. Kiên trì lần theo tung tích từng chứng cứ, năm lần bảy lượt gửi các vật chứng đến phòng thí nghiệm của FBI để giám định nhưng vẫn chẳng dẫn tới kết quả gì.
Các giả thuyết và những thất bại
Trong suốt 60 năm qua, có rất nhiều giả thuyết, manh mối được đặt ra về cái chết bí ẩn của thằng bé nhưng tất cả đều bị bác bỏ vì không có đủ bằng chứng. Sau khi xảy ra vụ án, có rất nhiều gia đình mất con tìm đến cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không chứng minh được những người này có liên quan tới đứa trẻ.
Vào năm 2002, một người phụ nữ có tiền sử bệnh tâm thần tuyên bố rằng gia đình cô đã “mua” cậu bé từ một gia đình khác. Bà này còn khẳng định cậu bé đã bị lạm dụng tình dục và bị ngược đãi trong suốt 2 năm trước khi bị giết. Bà còn nhấn mạnh rằng chính cha mẹ mình đã đánh cậu bé sau khi em nôn trong bồn tắm và cậu bé đáng thương tử vong sau khi bị đập mạnh xuống sàn nhà. Tuy nhiên khi cảnh sát đến gia đình người phụ nữ này điều tra thì không có kết quả gì.
Năm 2004, 47 năm sau khi vụ án xảy ra, Tom Augustine, một trong những thám tử từng tham gia “giải mã” chiếc hộp bí ẩn tại Philadelphia, nhận được liên lạc của vợ chồng ông bà Clairmants, sinh sống tại bang Florida. Cặp vợ chồng này nằng nặc khẳng định, nạn nhân trong chiếc hộp là con trai mình và đề nghị được tiến hành xét nghiệm DNA để tìm ra câu trả lời. Thế nhưng, kết quả từ phòng thí nghiệm lại một lần nữa “từ chối” giả thiết của họ.
Vào năm 1955 cũng có một giải thuyết khác được đặt ra. Vào thời gian đó, một cậu bé 3 tuổi tên Steven Craig Damman bị bắt cóc bên ngoài một siêu thị. Theo mô tả thì Steven và “cậu bé trong hộp” có nhiều điểm tương tự như nhau: cùng tuổi, cùng màu tóc, màu mắt lại có một vết sẹo ở cằm giống nạn nhân. Các nhà điều tra đặt giả thuyết rằng rất có thể 2 cậu bé là cùng một người.
Mặc dù vậy cả hai người có những điểm khác nhau. Cậu bé Steven có vấn đề về thận nhưng cậu bé trong hộp thì không có vấn đề gì về sức khỏe. Vào cuối năm 1998, mộ cậu bé trong hộp được khai quật. Khoa học đã tiến một bước dài trong những năm qua và đến lúc các nhà chức trách có thể dùng ADN làm bằng chứng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng vẫn xác định nạn nhân không phải Steven Damman
Danh tính của cậu bé trong chiếc hộp và những gì xảy ra với em đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Ngày nay, trên nhiều trang web chuyên về tội phạm, thám tử của Mỹ, vụ án này được nhắc tới rất nhiều và kèm theo đó là lời kêu gọi: “Các thám tử đã thất bại! Nhưng biết đâu, bạn lại có thể giúp chúng tôi tìm ra tung tích của đứa trẻ này. Hãy liên lạc với chúng tôi nếu…”.
Vụ án này cũng từng xuất hiện trong chương trình “American’s Most Wanted” nhưng cũng rơi vào vô vọng. Và cho đến thời điểm hiện tại, vụ án này vẫn là một “lời thách đố” đối với các nhà điều tra.