Quan Vũ là một danh tướng trung nghĩa, có khí khái của một bậc anh hùng, sống một đời trong sạch, thanh cao. Nhưng nếu một ngày người ta phát hiện trong mộ Quan Vân Trường, ngoài hài cốt của ông còn có một người nữ “bí ẩn” khác nằm ngay cạnh đó, chung một huyệt, thì bạn sẽ nghĩ sao?
Đây chính là chủ đề mà bài viết sẽ đề cập đến và hé lộ tấm màn che mờ bấy lâu nay về nghi vấn gây xôn xao cộng đồng người yêu Tam Quốc này.
Cái chết của Quan Vũ và phát hiện bất ngờ từ giới khảo cổ
Trong Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Lưu Bị đánh chiếm Tứ Xuyên, Hán Trung rồi lên ngôi vương đã tạo thế chân vạc chia ba thiên hạ. Nhưng vùng đất chiến lược Kinh Châu thì dần dần thất thủ. Quan Vũ lãnh trách nhiệm trấn thủ Kinh Châu vì một phút chủ quan mà để tuột mất cơ đồ và gặp họa sát thân.
Trước khi mất Kinh Châu, Quan Vân Trường đã lập nhiều chiến công hiển hách: đánh chiếm Tương Dương, lấp các cửa sông Khoái Khẩu, khơi dòng Tương Giang làm tràn ngập 7 đạo quân Tào, chặt đầu Bàng Đức, bắt sống Vu Cấm, vây hãm Phàn Thành.
Năm Kỷ Hợi 219, nhân khi Quan Vũ tập trung quân lên mạn bắc để đánh Bắc Ngụy, lơi lỏng việc phòng thủ ở mạn nam, Lã Mông dùng mưu tập kích, chiếm trọn Kinh Châu. Quan Vũ lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch”. Ông và con trai là Quan Bình bị bắt. Quan Vũ quyết không đầu hàng, không hoà nghị, cuối cùng cả hai cha con đều bị sát hại.
Nhưng chỉ khoảng 1 tháng sau, trong buổi đại tiệc mừng công của Đông Ngô nhân chiếm được Kinh Châu, “hồn” của Quan Vũ nhập vào xác Lã Mông, tự xưng mình là “Hán Thọ Đình hầu Quan Vân Trường”, chửi mắng Tôn Quyền một hồi rồi vật chết Lã Mông tại chỗ. Điều này đã làm Quyền kinh sợ, van lạy, và đi gửi thủ cấp Vân Trường cho Tào Tháo, nhằm chĩa mũi nhọn việc trả thù nghĩa đệ của Lưu Bị sang Tào Nguỵ.
Tào Tháo nhìn vào hộp đựng thủ cấp của Quan Công mà cười đùa rằng: “Lâu không gặp, Vân Trường vẫn mạnh giỏi chứ?”. Bỗng nhiên, đầu Vân Trường trợn tròn mắt, tóc râu dựng lên. Tào Tháo thất kinh té nhào, sinh bệnh, phải làm một cái hình nhân gằng gỗ lắp vào đầu để tống táng, đích thân làm lễ trước mộ theo nghi thức một vương hầu.
Ở Đương Dương (tỉnh Hồ Bắc) cũng có mộ chôn phần thân của Quan Vũ, được gọi bằng chữ “lăng” một cách kính cẩn như mộ của các đế vương. Vì vậy mà hậu thế khi nhắc tới Quan Công vẫn thường lưu truyền câu nói: “Đầu nằm Lạc Dương, thân nằm Đương Dương, hồn về Sơn Tây“.
Hy sinh trong thời loạn thế, 2 ngôi mộ của Quan Vân Trường lúc đầu hết sức đơn sơ, nhưng đến thời Tùy – Đường, các hoàng đế liền tu sửa lại lăng mộ. Nơi an nghỉ của Quan Công dần dần trở nên bề thế. Tới thời nhà Minh, 2 ngôi mộ an táng phần đầu và thân của Quan Vũ đều đã trở thành “Quan lăng” với quy mô khổng lồ, vô cùng uy nghi tráng lệ. Điều bất ngờ là cách đây ít năm, khi giới khảo cổ Trung Quốc khai quật 2 ngôi mộ của Quan Vũ ở Dương Thành và Đương Dương, người ta đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy mỗi ngôi mộ này đều có một hài cốt phụ nữ được chôn cùng.
Tương truyền rằng, khi chôn cất hai phần thi thể Quan Vũ, Tào Tháo và Tôn Quyền đều tiến hành đám cưới “phối âm hôn”, chôn 2 người phụ nữ cùng Quan Vũ vì sợ ông bị cô quạnh nơi hoàng tuyền. Câu hỏi đặt ra là vì sao cả Tôn Quyền và Tào Tháo đều bỗng dưng có chung cùng một ý tưởng, đó là ‘phối âm hôn’ cho Quan Vũ sau khi ông chết? Điều ‘tình cờ’ đến mức kỳ lạ này liệu chỉ đơn giản là cho ông bớt cô quạnh nơi hoàng tuyền hay còn uẩn khúc gì nữa?
Người phụ nữ Quan Vân Trường yêu là ai?
Một truyện dân gian khác thuật rằng sau khi Lã Bố chết dưới tay Tào Tháo, Tháo cướp được người đẹp Điêu Thuyền. Tháo tính mỹ nhân kế để ly gián quan hệ giữa Lưu Bị và Quan Vũ bèn mở tiệc hậu đãi và tặng nàng Điêu Thuyền cho Quan Vũ. Khi Điêu Thuyền bước ra, Quan Vũ cũng cảm thấy choáng ngợp xiêu lòng trước sắc đẹp mỹ nhân, nhưng sợ rằng đây chính là hậu họa khôn lường cho nghiệp phục hưng nhà Hán, Quan Vũ chỉ cúi đầu mà thốt lên: “Được”. Điêu Thuyền hiểu ý Quan Vũ, vén rèm lui về phòng, rồi dùng một dải lụa trắng tự kết liễu.
Ngoài nghi vấn với nàng Điêu Thuyền xinh đẹp, trong “”Tam Quốc Chí – Quan Vũ Truyện”, có đoạn viết rằng: Lữ Bố có thuộc hạ tên Tần Nghi Lộc, có vợ là Đỗ Thị, xinh đẹp tuyệt trần. Sau Tần Nghi Lộc về hàng Viên Thuật, bỏ vợ ở lại. Quan Vũ thấy nàng xinh đẹp, rất ưng ý muốn cưới về làm vợ, nhưng không thành, vì Tào Tháo cướp được Đỗ Thị và nạp vào hậu cung.
Tác phẩm “Quan Công từ Tào” thì tả: Quan Vũ có vợ tên Tào Nguyệt Nga, vốn là thị nữ trong phủ Tào và được Tào Tháo nhận làm nghĩa nữ, sau gả cho Quan Vũ. Quan Vũ và người vợ này đồng sàng dị mộng, sau Quan Vũ bỏ đi, Nguyệt Nga đuổi theo xin đi cùng. Quan Vũ không đồng ý, Nguyệt Nga quá đau khổ tự rút kiếm kết liễu cuộc đời
Trong “Hoa Quan tố truyện” lại viết rằng vợ của Quan Vũ tên Hồ Kim Định. Tại quận Trác, Quan Vũ gặp gỡ và kết bái huynh đệ với Lưu Bị, Trương Phi. Lưu Bị lo rằng Trương, Quan đều đã có gia thất, sợ hai người vướng chuyện vợ con mà không cùng sống chết với mình. Trương Phi và Quan Vũ quyết định sẽ đổi vai cho nhau giết chết vợ con để dốc lòng phò trợ Lưu Bị hoàn thành nghiệp lớn. Khi tới nhà Quan Vũ, nhìn thấy Hồ Kim Định bụng mang dạ chửa, Trương Phi không nỡ xuống tay, bèn tha chết cho nàng. Sau Hồ Kim Định chạy thoát, sinh được một con trai, đặt tên là Quan Hưng.