Nghiên cứu mới của Đại học Utah (Mỹ) chứng minh rằng kích thước “cậu nhỏ” thực sự quan trọng trong vấn đề sức khỏe sinh sản của nam giới: độ dài của khu vực quan trọng này còn có thể dự đoán khả năng làm cha của họ. Chỉ 1 cm độ dài có thể gây ra khác biệt rất lớn.
Nhóm khoa học gia đã khảo sát 815 nam giới trong độ tuổi khỏe mạnh về sinh sản trong vòng 3 năm, nhận thấy những người đàn ông “màu mỡ”, tức dễ có con, có kích thước dương vật trung bình là 13,4 cm; trong khi nhóm bị vô sinh – hiếm muộn có chiều dài trung bình là 12,5 cm.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Austren Salde, thành viên nhóm nghiên cứu, các quý ông không nên quá lo lắng. Tuy khác biệt này mang ý nghĩa thống kê rõ ràng nhưng với các tiến bộ y học ngày nay, mọi chuyện đều có thể giải quyết.
Các nhà khoa học cho rằng ý nghĩa lớn nhất của nghiên cứu là gợi ý những người đàn ông khó có con và có kích thước “cậu nhỏ” ngắn có thể chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình, tìm biện pháp can thiệp sớm.
Cơ chế ảnh hưởng của kích thước lên chức năng sinh sản vẫn chưa được giải thích rõ ràng và hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy khả năng tình dục của các quý ông “ngắn” bị ảnh hưởng. Nghiên cứu này vừa được trình bày tại hội nghị về sức khỏe sinh sản lớn nhất thế giới vừa diễn ra tại Colorado- Mỹ.
Nghiên cứu nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Giáo sư Sheena Lewis đến từ Đại học Queen ở Belfast, Bắc Ireland cho rằng việc thông báo với những người đàn ông có “cậu nhỏ” hơi ngắn rằng họ ít cơ hội làm cha không phải một thông điệp tốt.