Leo cầu thang khiến khớp chịu áp lực lớn
Bên lề hội nghị khoa học chuyên ngành cơ xương khớp tại BV Bạch Mai, TS.BS Trần Thị Tô Châu, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết, khớp gối là nơi nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cơ thể nên rất dễ bị tổn thương, viêm sưng…
“Do đó các bài tập leo cầu thang chỉ phù hợp với người trẻ. Khi leo cầu thang, đặc biệt động tác xuống cầu thang sẽ khiến toàn bộ trọng lượng cơ thể đổ dồn xuống chân, tạo áp lực rất lớn cho khớp gối trong khi từ 38-40 tuổi, khớp gối đã bắt đầu thoái hoá, thậm chí một số người bị thoái hoá sớm hơn”, TS Châu phân tích.
TS Châu khuyên, khi tập luyện bất cứ môn thể thao nào cũng cần lắng nghe phản ứng của cơ thể, đặc biệt là khớp gối. Nếu hoạt động gây hại cho khớp, phản ứng đầu tiên là đau, mức độ tăng dần khi vận động nhiều, giảm khi nghỉ ngơi.
“Nếu bạn bị thoái hoá mà vẫn tiếp tục leo cầu thang, chạy bộ nhiều sẽ càng khiến khớp bị thoái hoá nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, ngoài đau, khớp còn có thể bị sưng, nóng, khi đó sẽ phải điều trị nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn không triệt để”, TS Châu cho hay.
Khi lựa chọn bất cứ môn thể dục nào cũng cần khởi động đủ và tập luyện đúng phương pháp để không gây hại khớp gối.
Với những người 60 – 70 tuổi, chỉ nên đi bộ từ 30 – 45 phút/ngày là đủ và nên ưu tiên bơi lội để tránh khớp không bị quá tải.
Người trẻ có thể đi bộ trong khoảng thời gian dài hơn, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng chạy bộ. Đặc biệt khi leo cầu thang cũng cần khởi động kỹ khớp gối, chỉ nên đi lên bằng đường bộ, khi xuống nên đi bằng thang máy và không nên leo cầu thang quá nhiều. Khi khớp xuất hiện triệu chứng đau mỏi, cần dừng lại ngay.
TS Châu cũng khuyên khi thấy khớp gối bắt đầu xuất hiện những tiếng “lục khục”, đau thoáng qua, người dân có thể dùng các sản phẩm bôi trơn khớp bổ sung, tuy nhiên phải uống liên tục, thường ít nhất 6-8 tuần mới thấy tác dụng. Những trường hợp cao huyết áp, tiểu đường cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.