Văn hóa giao tiếp của nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là Việt Nam thường sử dụng đồ uống có cồn trong các bữa tiệc. Và nếu bạn là một người chơi thể thao thì việc sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt đến cơ thể. Dưới đây là nghiên cứu của Giáo sư David Cameron-Smith của Đại học Auckland về tác động của rượu đối với các quá trình sinh học trong cơ thể mà tất cả các vận động viên đang tìm cách tối ưu hóa.
Ông nói “Hầu hết mọi người thì đều biết phải tránh sử dụng đồ uống có cồn vào đêm trước các cuộc đua nhưng không phải ai cũng đánh giá đúng tác động gây rối của nó đối với cơ thể của chúng ta trong suốt quá trình tập luyện và đó mới là điều quan trọng nhất.”
Đồ uống có cồn sẽ làm tăng khả năng chấn thương theo nhiều cách khác nhau. Nó làm thay đổi các giai đoạn trong giấc ngủ của chúng ta, làm giảm khả năng lưu trữ glycogen của cơ thể (một nguồn năng lượng quan trọng mà cơ thể cần để có sức bền), làm tăng lượng hormone cortisol, thứ gây ra căng thẳng và làm chậm quá trình chữa lành. Cortisol làm giảm đáng kể mức độ hormone tăng trưởng của con người tới 70%. Hormone này rất quan trọng cho cả việc phát triển và chữa lành các mô cơ bắp, thứ mà bạn cần hơn bao giờ hết trong quá trình tập luyện. Những điều này xảy ra ngay cả khi bạn đã ngừng uống sáu tiếng trước khi đi ngủ.
Sự hiện diện của đồ uống có cồn trong cơ thể sẽ kích hoạt vô số các quá trình hóa học, bao gồm cả việc giải phóng độc tố từ gan để tấn công hormone testosterone, một thành phần thiết yếu khác cho phép cơ bắp của chúng ta phát triển và tái tạo.
Đồ uống có cồn cũng được phân loại là một loại thuốc lợi tiểu rất mạnh. Nó thúc đẩy sản sinh nước tiểu, đồng nghĩa là nó sẽ làm cho cơ thể chúng ta mất nước ở nhiều cấp độ, tùy thuộc vào số lượng đã uống. Khi bị mất nước, chúng ta có nguy cơ bị chấn thương cao hơn. Sự thèm ăn cũng sẽ giảm, mặc dù thực tế chúng ta vẫn cần phải một lượng thức ăn như bình thường, để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Nếu “lỡ” uống rượu bia thì hãy nhớ uống càng nhiều nước càng tốt trong những ngày tiếp theo. Bởi vì một khi rượu được hấp thụ, nó sẽ tác động xấu đến sự cân bằng nước trong cơ bắp. Đồng thời rượu bia cũng ảnh hưởng đến quá trình gluconeogenesis (một quá trình tạo thành đường glucose). Việc xảy ra cùng lúc hai điều trên sẽ ngăn các tế bào trong cơ bắp thực hiện chức năng tự nhiên của chúng là sản xuất ra adenosine triphosphate (ATP), một loại năng lượng mà cơ bắp cần trong vận động. Nếu mức ATP của bạn đi xuống, sức bền của bạn cũng sẽ xuống theo.
Và có lẽ quan trọng nhất, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tác động của rượu đối với mô lớn nhất của cơ thể – mô cơ xương. Đây là mô bao phủ bộ xương của bạn, giữ xương và khớp ở đúng vị trí và kiểm soát khá nhiều chuyển động của cơ thể. Rượu có tác động rất lớn đến quá trình tổng hợp protein cơ bắp, giảm đến một phần ba so với bình thường. Điều này ảnh hưởng đến quá trình các tế bào cơ tạo ra protein mới, thứ cần thiết cho cơ xương phục hồi, phát triển và thích nghi trong quá trình tập luyện.
Bài viết trên là chỉ là một trong số rất nhiều nghiên cứu về tác động của đồ uống có cồn đến những người chơi thể thao, nó có thể không đúng với tất cả mọi người nhưng mình tin là nó sẽ ít nhiều giúp các bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động của bia rượu đến sức khỏe và thể thao.
Cá nhân mình là một người chơi thể thao đều đặn và cũng thích đồ uống có cồn. Mình đang trải qua quá trình điều trị chấn thương và trong thời gian đó mình có sử dụng đồ uống có cồn (không nhiều nhưng rất đều). Hậu quả là chấn thương của mình rất lâu lành và dễ dàng tái phát. Mình đã không nắm rõ ràng tác hại của đồ uống có cồn như vậy cho đến khi đi khám bác sĩ. Điều đáng buồn là mình yêu cả thể thao và rượu, không biết nên làm thế nào đây, anh em có cách nào để cân bằng thì chia sẻ cho nhau nhé.