Đối với những người mới tập luyện, sự tiến bộ nhanh chóng trong một thời gian ngắn khiến cho không ít người cảm thấy phấn khích tột độ. Việc đạt những cột mốc tạ hay số lần thực hiện các động tác quá dễ dàng khiến nhiều người “ảo tưởng” về sức mạnh của bản thân. Sự hưng phấn quá đà khiến họ đốt cháy giai đoạn và bị cuốn theo guồng của các những người giàu kinh nghiệm, những người vốn tích lũy sức mạnh và độ bền đủ lâu.
Nếu gặp một trong những dấu hiệu sau, bạn rất có thể đang tập luyện quá sức. Hãy nghỉ ngơi, hoặc xin tư vấn từ những ai có nhiều kinh nghiệm trước khi quá muộn. Sau đây, khoevadep.vn gửi đến các bạn các dấu hiệu cho thấy bạn đã tập luyện quá sức.
1. Di chuyển khó nhọc
Cách dễ nhận biết bạn có cần phải nghỉ ngơi phục hồi hay không là khi bạn làm những thao tác tưởng như đơn giản hàng ngày một cách khó nhọc. Nếu bạn leo lên, xuống cầu thang phải lần từng bước một, đầu gối nhức mỏi, tim đập, chân run thì bạn nên dừng tập luyện hoặc chỉ nên tập nhẹ nhàng vài ngày để cơ thể được nghỉ ngơi.
2. Tâm trạng không thoải mái, dễ cáu gắt
Khi bạn tập luyện không theo giáo án, không vì mục tiêu cụ thể nào mà cảm thấy khó chịu hơn bình thường thì đây cũng là lúc bạn nên nghỉ ngơi.
Tập luyện theo giáo án đôi khi khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi bạn phải đáp ứng, hoàn thành bài tập đề ra. Trong những buổi tập không vì sức ép thời gian, nếu bạn chạy với tâm lý uể oải, như đeo chì vào chân thì bạn nên tạm nghỉ. Hãy tập luyện trở lại khi nó mang đến niềm vui và sự hứng khởi cho bạn. Bạn cần điều chỉnh tần suất, cường độ tập luyện nhẹ hơn nếu vẫn muốn tiếp tục.
3. Tập nhiều nhưng chất lượng giảm
Ai cũng biết tập luyện là một cách để tích lũy thể lực và là yếu tố quan trọng để có được thành tích tốt. Tuy nhiên, tập luyện nhiều nhiều kết hợp cường độ cao thường xuyên có thể đẩy cơ thể bạn đến mức quá tải. Hãy cắt giảm bớt cường độ mà tập trung hơn vào chất lượng của các bài tập. Rồi bạn sẽ thấy, hiệu quả không có nhiều khác biệt cho dù giảm số lần đẩy tạ.
4. Bạn thích ngủ hay đi…nhậu hơn là tập luyện.
Nếu bạn tìm ra rất nhiều lý do để bỏ qua buổi tập theo lịch hoặc thích ngủ hơn là đẩy tạ thì rõ ràng cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi trong vài ngày. Đừng cố ép cơ thể bạn phải hoạt động quá ngưỡng chịu đựng khi nó không sẵn sàng. Thông thường, những người trong trạng thái vận động quá tải không dễ tự nhận biết bằng người ngoài.
5. Tim “mệt mỏi”, chân tay “lờ đờ” ngay cả khi vận động nhẹ.
Nếu nhịp tim của bạn tăng cao hơn bình thường thì rất có thể bạn bị quá tải. Tất nhiên, nhịp tim còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác: stress, caffeine, số giờ ngủ, chất lượng giấc ngủ v.v… Khi các chỉ số tập luyện có dấu hiệu xuống thấp, không đạt hiệu quả, thay vì cắn răng chịu đựng tập luyện để mong sẽ vượt qua thử thách thì bạn nên dành vài ngày đến 1 tuần để phục hồi. Ngủ sâu, ăn đồ ăn bổ dưỡng, mặc tất bó bắp chân… Cơ thể của bạn sẽ tự sửa chữa “hỏng hóc” ở các cơ tổn thương trong khi bạn ngủ.
Cần biết lắng nghe cơ thể, con người không phải là cỗ máy. Hãy tạm dừng, nghỉ tập khi cơ thể không sẵn sàng, tránh cơ thể quá tải và trở nên tồi tệ hơn
6. Nhạy cảm với bệnh tật
Tập quá sức ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến bạn có thể cảm cúm, hay lây nhiễm virus. Nếu bạn dễ ốm hơn bình thường thì đây cũng là dấu hiệu của sự quá tải.
Không nên nhắm mắt tập luyện bất chấp hậu quả. Chạy bộ lâu dài để cuộc sống luôn vui vẻ và cơ thể tràn đầy năng lượng mới là mục tiêu lớn nhất chứ không phải chỉ là thành tích nhất thời.