Vùng bụng săn chắc, múi rõ và đẹp là điều mà nhiều gymer khao khát nhưng đây lại là vùng đốt rất ít năng lượng, đòi hỏi bạn phải kiên trì và phối hợp cùng những bài tập nhóm cơ khác để có được kết quả như ý.
Tuy nhiên, việc kiên trì tập cơ bụng không có nghĩa bạn sẽ tập nó mỗi ngày và mọi lúc, việc tập luyện cần được thiết kế phù hợp kết hợp cùng chế độ ăn uống đúng cách, nếu không bạn sẽ khó thấy được kết quả và tệ hơn là có thể gặp chấn thương, điển hình là trường hợp tập bụng bị đau lưng. Dưới đây là những sai lầm thường gặp, hãy đọc và lưu ý nhé.
Tập sai tư thế
Tập bụng sai tư thế sẽ dẫn tới đau lưng. Có thể ví dụ rõ nhất ngay trong chính bài tập gập bụng đơn giản mà bạn thường thực hiện ở nhà. Khi đưa cơ thể lên, rất nhiều người phạm lỗi thẳng lưng mà không cuộn bụng, dẫn tới mọi lực ở phần nửa trên cơ thể đều dồn hết vào lưng.
Hoặc khi bạn thực hiện động tác bám xà để nâng nửa dưới cơ thể, việc bạn đưa hông lên cách mặt đất một khoảng quá thấp cũng khiến vùng lưng chịu tổn thương. Tập plank sai cũng khiến đau lưng trầm trọng.
Bạn cũng nên chú ý khi tập các bài sit-up và crunch. Đây là hai bài tập bổ trợ cho cơ bụng và cơ liên sườn nhưng do cách thực hiện gần giống nhau nên chúng có thể gây nhầm lẫn trong luyện tập. Sit-up sẽ tác động tới toàn cơ bụng, trong khi crunch chỉ dành cho cơ bụng dưới. Việc để lưng võng, không áp thẳng xuống sàn hay không siết cơ bụng mà lại dùng lưng để đẩy cơ thể lên sẽ gây ra các cơn đau lưng không ngừng.
Việc luyện tập sai cách, không đúng tư thế sẽ dẫn tới những hệ lụy sức khỏe lâu dài. Khi bạn đau lưng thì những vấn đề đó cũng sẽ xảy ra với cột sống, làm giảm hiệu quả thẩm mỹ và khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Không khởi động kỹ trước khi tập.
Khởi động làm nóng cơ trước buổi tập sẽ giúp cơ thể được làm ấm, tăng lưu thông máu, nới lỏng các khớp và tránh được chấn thương. Điều này cũng đặc biệt có ích đối với những người không thường xuyên luyện tập thể hình, cơ thể đã lâu không được vận động. Hãy cố gắng dành thời gian để khởi động trước khi bước vào các bài tập bụng hoặc những bài tập cơ khác.
Những vấn đề về xương khớp.
Nếu bạn đã tuân thủ mọi chỉ dẫn của HLV về cách tập và lưu ý vận động mà vẫn tập bụng bị đau lưng, rất có thể bạn đã mắc những bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… Điều này sẽ gây cản trở luyện tập, đặc biệt là khi bạn cố gắng tập các bài sit-up và crunch. Hãy điều chỉnh lại mức độ luyện tập và tới gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơn đau dai dẳng.
Để khắc phục những cơn đau khi tập bụng bị đau lưng, hãy tuân theo hướng dẫn của HLV trong việc thực hiện động tác. Bạn cần hiểu nguyên lý giảm mỡ ở bộ phận này, cũng như nắm rõ vùng cơ mà mình đang tác động lên. Bạn cũng không nên bỏ qua những bài khởi động làm nóng cơ, giãn cơ trước khi bước vào luyện tập. Những động tác đơn giản nhẹ nhàng thì tập trước, các động tác yêu cầu kĩ thuật và nhiều sức thì dành tập sau.
Nếu gặp phải một vài cơn đau nhất thời, hãy chườm đá lạnh để giảm đau, ăn thêm thực phẩm giàu vitamin C, nghệ, gừng… Ngoài ra, bạn hãy thực hiện theo chế độ dinh dưỡng đúng chuẩn, bổ sung thực phẩm giàu omega 3, vitamin, chất xơ… để khớp vận động linh hoạt hơn. Chúc bạn sớm sở hữu những múi bụng săn chắc mà không mắc phải những lỗi không đáng có.