Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Ulrich Laufs (Đại học Leipzig, Đức) đã phát hiện ra rằng một số môn thể thao có tác dụng kéo dài các cấu trúc gọi là telomere ở đầu các nhiễm sắc thể của con người.
Telomere được ví như một chiếc “mũ bảo hiểm” của nhiễm sắc thể, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của DNA và sửa chữa các hư hỏng để bảo đảm cho hệ thống vận hành tốt. Ở người trẻ, các telomere này khá dài và theo tuổi tác, chúng ngày các ngắn đi.
Vì vậy, bảo tồn độ dài của các telomere được coi là cách tạo ra phương thuốc “trường sinh bất lão”.
Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã được yêu cầu tập một trong các môn chạy bộ, đạp xe, bơi lội, hoặc bài tập sức mạnh, ví dụ như tập tạ, tập gym. Lịch tập mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 45 phút, kéo dài 6 tháng.
Kết quả bất ngờ đã xảy ra ở nhóm tập chạy bộ, đạp xe và bơi lội. Telomere của họ kéo dài tới 3,5% sau 6 tháng luyện tập, trong khi ở nhóm kia không có sự thay đổi nào xảy ra.
Nguyên nhân là các môn thể thao đòi hỏi sức bền và cường độ cao từng lúc làm ảnh hưởng đến nồng độ oxit nitric trong mạch máu, một chất góp phần vào các thay đổi tích cực trong tế bào. Ngoài ra, cơ thể họ cũng tăng gấp 3 lần một enzyme mang tên telomerase, là hóa chất giúp nuôi dưỡng các telomere được khỏe mạnh.
Đồng tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Christian Werner (Đại học Saarland, Đức) cho biết kết quả trên còn có thể ứng dụng cho các chương trình luyện tập hỗ trợ trong điều trị bệnh tim mạch.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học European Heart Journal.