Nếu đã cố gắng hết sức nhưng đám mỡ bụng đáng ghét vẫn “dậm chân tại chỗ” thì rất có thể, bạn đang phạm phải một vài sai lầm phổ biến sau.
Tập luyện quá nhiều
Bạn cần phải cân bằng giữa tập thể dục và nghỉ ngơi. Tập luyện quá nhiều có thể gây phản tác dụng, làm chậm quá trình chuyển hóa mỡ thừa của cơ thể. Ngoài ra, không thư giãn sau khi luyện tập có thể làm gia tăng lượng hormone cortisol steroid trong cơ thể. Đây là lí do khiến lượng mỡ bụng của bạn tăng không kiểm soát. Do đó, hãy tạo điều kiện cho cơ thể được nghỉ ngơi để phục hồi chấn thương cũng như khởi động lại cho lần tập luyện sau đạt hiệu quả cao hơn.
Chế độ ăn kiêng cực đoan
Chế độ ăn kiêng cực đoan bằng cách hạn chế tối đa lượng thức ăn đưa vào cơ thể ban đầu có thể giúp bạn giảm được vài cân, tuy nhiên, đây không phải là một chế độ ăn bền vững. Thiếu hụt lượng calo cần thiết cho các hoạt động của cơ thể thực sự chỉ gây hại chứ không hề có ích. Nếu cung cấp quá ít năng lượng, cơ thể sẽ luôn trong tình trạng đói. Điều này sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất và khiến quá trình giảm cân của bạn bị ngưng trệ.
Không cung cấp đủ protein cho cơ thể
Protein là yếu tố quan trọng trong việc đốt cháy chất béo, giúp bảo vệ và phát triển cơ bắp. Đây cũng là nguồn năng lượng tuyệt vời giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và hạn chế tình trạng ăn vặt. Thật sai lầm nếu bạn bỏ qua protein hoặc không ăn đủ lượng protein cần thiết trong quá trình giảm mỡ bụng. Hãy ưu tiên các nguồn cung cấp protein lành mạnh như ức gà, cá hồi, trứng, sữa và đậu nành. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi tránh những món ăn nhẹ có hàm lượng carbohydrate cao, hãy thử thay thế chúng bằng một số loại thức uống giàu đạm như sữa, trứng.
Bị stress trong suốt quá trình giảm mỡ bụng
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng stress có thể là nguyên nhân chính khiến bạn không giảm được 1gr mỡ bụng nào dù đã nỗ lực hết mình. Stress có thể kích thích cơ thể sản sinh ra cortisol, hormone thuộc loại steroid. Khi đó, bạn sẽ khó có thể chống lại cảm giác thèm ăn các thực phẩm có đường vì nó sẽ ngay lập tức cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong một khoảng thời gian dài, lượng cortisol cao có thể khiến lớp mỡ bụng của bạn dày thêm. Hãy tìm mọi cách giải tỏa stress nếu không muốn nó đưa hành trình tìm kiếm cơ bụng của bạn trở về vạch xuất phát.
Ngủ không đủ giấc
Thiếu ngủ là nguyên nhân gây mất cân bằng hormone, khiến chúng ta luôn cảm thấy đói cồn cào và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Ghrelin và Leptin là hai loại hormone có mối liên hệ mật thiết tới cảm giác thèm ăn của chúng ta. Ghrelin là hormone khiến chúng ta cảm thấy đói, ngược lại, Leptin là hormone khiến chúng ta cảm thấy no.
Thức khuya có thể gây mất cân bằng giữa hai loại hormone này. Khi lượng Ghrelin tăng cao, nó có thể khiến bạn rơi vào tình trạng thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường và hệ quả là mỡ bụng cứ thế tăng lên theo cấp số nhân. Do vậy, các bạn gái có quyết tâm giảm mỡ bụng hãy ngủ sớm và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng.