Cardio là các dạng bài tập tăng nhịp tim, rèn luyện sức bền như chạy bộ hay đạp xe. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu tập cardio hay nâng tạ sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn, theo The Independent.
Trong hầu hết các trường hợp, lựa chọn hình thức tập luyện nào hay cùng kết hợp cả hai phụ thuộc nhiều vào mục tiêu tập luyện.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện tập cardio mang lại nhiều lợi ích cho quá trình trao đổi chất của cơ thể hơn là nâng tạ.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tuyển một nhóm 10 người đàn ông khỏe mạnh. Họ được chia ra thành hai nhóm nhỏ. Nhóm thứ nhất thực hiện 5 bài tập nâng tạ mỗi tuần, đánh vào các nhóm cơ chính như cơ ngực, cơ tay trước, cơ tay sau và đùi. Nhóm thứ hai thì đạp xe.
Mỗi nhóm đều tập luyện khoảng 60 phút.Trong vòng 4 giờ sau khi tập, các nhà khoa học sẽ lấy mẫu máu của những người tham gia để phân tích nồng đồ a xít lactic, đường huyết và các loại hoóc môn khác nhau trong cơ thể.
Kết quả cho thấy cơ thể những người đạp xe tạo ra lượng hoóc môn FGF21 nhiều gấp 3 lần những người nâng tạ, vốn không có sự gia tăng đáng kể FGF21 sau khi tập.
FGF21 là loại hoóc môn giúp tăng cường tỉ lệ trao đổi chất của cơ thể. Trao đổi chất là quá trình mà cơ thể hấp thu dinh dưỡng và đốt năng lượng dư thừa, theo The Independent.
Tỉ lệ trao đổi chất của một người càng cao thì cũng đồng nghĩa với việc cơ thể họ đốt năng lượng càng nhiều. Kết quả là giúp đẩy nhanh quá trình giảm cân.
Các nhà khoa học kỳ vọng có thể tìm cách kích thích cơ thể sản xuất FGF21 bằng các hình thức tập luyện thể chất phù hợp. FGF21 là một trong những loại hoóc môn có thể giúp chống lại bệnh tiểu đường, béo phì và nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa khác, theo The Independent.