Những quan niệm sai lầm về việc tập thể dục sau tuổi 50 thường thấy gồm:
50 tuổi là quá muộn để tập luyện
Không bao giờ quá già để tập thể dục. Cơ thể luôn được hưởng lợi khi chúng ta tập thể dục, Reader’s Digest dẫn lời chuyên gia trị liệu lâm sàng người Mỹ Alice Bell.
“Các nghiên cứu cho thấy lối sống năng động ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng giúp cải thiện sức khỏe, sức chịu đựng, sự cân bằng và khả năng nhận thức của cơ thể”, bà Bell nói thêm.
Chỉ đi bộ là đủ
Đi bộ rất tốt nhưng chỉ đi bộ là chưa đủ. Lợi ích tốt nhất xét về lâu dài của tập luyện là nó thúc đẩy cơ thể hoạt động vượt mức chịu đựng thông thường. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ được thúc đẩy để mạnh mẽ hơn, dẻo dai hơn và nhịp tim có khả năng thích ứng cao hơn.
Các nghiên cứu cho thấy đi bộ không tạo ra sức ép cần thiết cho tim. Vì thế, đi bộ vẫn chưa đủ để giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch.
Để khắc phục hạn chế này của đi bộ, người trên 50 tuổi hãy kết hợp đi bộ tốc độ bình thường với chạy bộ và đi bộ tốc độ nhanh, các chuyên gia khuyến cáo.
Không nên nâng tạ
Quan niệm cho rằng người trên 50 tuổi không nên tập nâng tạ là sai. Nâng tạ có thể là hình thức tập luyện khó khăn với người trên 50 tuổi. Một số người còn lo ngại nó sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Tuy nhiên, nâng tạ với hình thức tập phù hợp, đúng kỹ thuật và trọng lượng vừa phải lại chứng minh là an toàn, hiệu quả, có thể giúp tăng cường sức mạnh ở mọi lứa tuổi.
Ngoài ra, nâng tạ còn giúp củng cố sức khỏe của xương. Có rất ít bằng chứng cho thấy nâng tạ có thể gây ra viêm khớp hay các vấn đề về khớp ở người trên 50 tuổi, theo Reader’s Digest.
Người bị xương khớp không thể tập thể dục
“Chúng ta cần biết rằng viêm khớp giống như tóc bạc, nó là một phần của quá trình lão hóa. Các nghiên cứu phát hiện dấu hiệu viêm khớp ở những người vẫn chưa xuất hiện cơn đau đầu gối”, bác sĩ người Mỹ Christina Prevett nói.
Nhiều người có dấu hiệu viêm khớp nhưng vẫn chưa bị đau đầu gối. Ở những trường hợp này, họ có thể tập thể dục ngay cả khi đang bị viêm khớp, bác sĩ Prevett cho biết.
Trong trường hợp như thế, tập luyện đúng cách sẽ không thúc đẩy tiến trình phát triển của bệnh, đặc biệt là khi được một người có chuyên môn hướng dẫn.
Ngoài ra, tập luyện với cường độ và trọng lượng tạ vừa phải lại là một trong những cách giúp giảm triệu chứng việm khớp, theo Reader’s Digest.