Khi vận động tiêu tốn nhiều năng lượng, cơ thể tự làm mát bằng cách đẩy nước ra ngoài (mồ hôi). Lúc này, cơ thể hao hụt năng lượng, cơ bắp mỏi nhừ và bị phá hủy theo dạng li ti. Sau khi tập, ta có xu hướng muốn tắm để cảm thấy sạch sẽ, sảng khoái hơn. Tuy nhiên, tắm không đúng cách ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, các mạch máu bị giãn ra, gây đau tim, đột quỵ.
Việc sử dụng nước nóng hay lạnh để tắm sau khi tập luyện là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số ý khiến cho rằng tắm nước nóng để cơ thể không bị sốc nhiệt. Cũng có người giải thích tắm nước lạnh có tác dụng làm nguội cơ thể. Vậy lời khuyên nào là đúng?
Sau khi tập 10-15 phút bằng phương pháp Resistance Training (Kháng lực) để phát triển cơ bắp, chúng ta nên tắm bằng nước lạnh để làm giảm nguy cơ bị viêm cơ, khớp xương và gân do tổn thương trong quá trình tập. Nước lạnh làm chậm lượng máu lưu thông vào những vùng bị tổn thương, giảm nguy cơ chấn thương.
Sau 5 phút, ta có thể chuyển sang nước ấm dần để máu lưu thông tốt hơn, đẩy ra những chỗ bị viêm, tích tụ máu bầm trong cơ thể, cải thiện độ linh hoạt của xương khớp.
Tắm nước lạnh còn giúp giảm nồng độ acid uric (mức độ acid uric cao làm tăng nguy cơ bị gout hoặc sỏi thận), tăng glutathione – chất chống oxy hoá mạnh nhất của cơ thể, tránh các tác nhân gây hại.
Nếu bạn bị chấn thương nhẹ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tắm nước lạnh từ vài ngày cho đến một tuần rồi mới tắm nước nóng trở lại.
Trường hợp tập cường độ cao như Cardio, HIIT, Yoga, Body Pump, chúng ta nên tắm bằng nước ấm trước và sau khi tập 15-30 phút (khi đã ráo mồ hôi).
Lưu ý, bạn nên tắm theo trình tự từ chân lên phần thân, rồi đến phần đầu, tránh trường hợp bị sốc nhiệt.
Bạn cũng chỉ nên tắm trong 5-10 phút, không nên tắm lâu. Tắm lâu, đặc biệt với nước nóng có thể làm khô da, dẫn đến phát ban và ngứa.