Sức khỏe, sức mạnh và sức bền của cơ bắp là các thành phần trong tập luyện thể hình, có nhiều điểm tương đồng nhưng bạn vẫn cần phải phân biệt để chọn bài tập cho đúng. Tất cả đều phải dùng lực tạo nên từ cơ bắp để chống lại kháng lực trong quá trình chuyển động. Chúng đòi hỏi sự co rút của một hoặc một nhóm cơ phải tham gia. Yếu tố tạo ra sự khác biệt của chúng là thời gian.
• Khi tập mà không quan tâm đến thời gian thực hiện bạn đang rèn luyện đến sức khỏe.
• Khi bạn tập nhưng hướng đến thời gian thực hiện càng ngắn càng tốt tức bạn đang tập về sức mạnh.
• Khi bạn tập chậm, thực hiện nhiều lần hơn bình thường tức là bạn đang tập cho sức bền.
Khi tìm kiếm hoặc xây dựng lịch luyện tập, bạn nên ghi nhớ quy tắc sau: “Sức khỏe và sức bền là nền tảng. Sức mạnh là thành tựu.” Bạn không thể có sức mạnh khi không khỏe và không thể duy trì sức mạnh khi không bền. Vì vậy, đối với người mới bắt đầu tập GYM, tôi khuyên là nên dành từ 6 tháng đến 1 năm để tạo nền tảng sức khỏe và sức bền. Bạn không thể có được một thân hình lực sỹ chỉ sau 1 hoặc 2 năm tập. Vì vậy hãy kiên trì tập luyện và đừng nôn nóng.
Khoevadep xin đưa ra một số phương pháp để bạn có thể kiểm tra sơ bộ về tình trạng sức khỏe và sức bền của bạn khi bước vào tập GYM như sau:
Sức khỏe
Sức khỏe của cơ bắp là khả năng của cơ bắp tạo ra lực để chống các kháng lực trong một lượt. sức khỏe được đo dựa trên số cân nặng được nhấc. Sức khỏe tương đối là tỉ lệ giữa mức tạ nâng được và trọng lượng cơ thể của người đó. Ví dụ như nếu 2 người cùng nâng một mức tạ, người nào có cân nặng thấp hơn thì sức khỏe tương đối lớn hơn. Sức khỏe của thân trên và thân dưới được đo riêng biệt. Phần thân trên được đo bằng bài nằm đẩy tạ, thân dưới được đo bằng bài ngồi xổm đẩy tạ, bài gập người kéo tạ để đo phần lưng và phần chân.
Sức bền
Là khả năng của cơ bắp chịu được kháng lực trong một thời gian dài. Sức bền được đo bằng số lần thực hiện. Phần thân trên được đo bằng các bài như chống đẩy, kéo xà đơn, chống xà kép. Cơ bụng được đo bằng bài gập bụng. Phần thân dưới được đo bằng bài ngồi xổm thẳng lưng.
Sức mạnh
Khi bạn đã có nền tảng vững chắc, bạn có thể bước sang giai đoạn rèn luyện sức mạnh. Công thức tổng quát của sức mạnh là (Lực*quãng đường)/thời gian. Nếu áp dụng trong thể hình, nó được đo bằng (mức tạ đẩy được*phạm vi đẩy)/thời gian đẩy. Tăng sức khỏe không có nghĩa là sẽ tăng sức mạnh. Ví dụ, một người có phần thân trên cực khỏe, có khả năng đẩy một mức tạ khủng, nhưng không hẳn sẽ thắng trong trong môn ném đĩa, hoặc ném bi sắt. Bởi vì, hai môn này cần sức mạnh để tạo một đà đủ lớn trong thời gian ngắn thì mới có thể ném xa được. Cũng giống như một người có thể ngồi xổm đẩy tạ rất khỏe nhưng không hẳn đã nhảy xa. Bài tập sức mạnh cần thời gian và kỹ thuật phức tạp hơn nhưng sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.
Chốt lại, bạn nên luyện tập hài hòa các bài tập sức khỏe, sức mạnh và sức bền để có kết quả toàn diện nhất. Giáo án cụ thể có thể thay đổi tùy từng thể trạng, thời gian biểu của từng người. Chúc các bạn thành công!