Cả cuộc đời tôi, tốt thôi chưa bao giờ là đủ tốt. Tôi không hề tự tin vào bản thân và có mặc cảm là mình không xứng được hưởng gì cả trong khi bản thân luôn muốn người khác nhìn nhận tôi thật tốt.
Vì thế, mặc dù thích sự năng động, tích cực nhưng tôi lại coi việc tập luyện thể dục thể thao như một sự trừng phạt chính mình. Có thể nói là tôi đã tập luyện điên cuồng. Thế nhưng khi vào đại học, tôi đã không tập luyện suốt thời gian dài. Dù vậy, cùng lúc đó, tôi bắt đầu cảm nhận sự biến đổi trong tâm trạng.
Trước đây, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh Crohn – bệnh viêm ruột mãn tính – và sự mệt mỏi, đầy hơi, buồn nôn thực sự gây ra cho tôi rất rất nhiều khó khăn trong những năm đại học. Tôi thu mình trong phòng hàng giờ liền để học, tránh mọi thứ có thể có ích với tôi – như tập luyện chẳng hạn.
Cuối cùng, tôi quyết định tìm một công việc để được gắn kết nhiều hơn với cộng đồng. Tôi được nhận làm người hướng dẫn cho nhóm tập thể hình tại phòng gym nhà trường. Dù tôi luôn ghét người khác đưa ra các mệnh lệnh ở phòng tập tạ, nhưng giờ đây, tôi đảm nhiệm chính vai trò đó. Và tôi yêu công việc này.
Tôi dạy được vài năm, luôn hào hứng, thích thú. Nhưng tới năm 2012, tôi chững lại vì stress. Tôi vừa bắt đầu học trường y tá, vừa hủy hôn với chàng trai tôi đã hẹn hò được 7 năm và căn bệnh Crohn của tôi tiến triển nghiêm trọng.
Tôi phải dùng rất nhiều loại thuốc do stress và chế độ ăn nghèo nàn khiến các vấn đề do bệnh tật gây ra càng thêm nguy hại – tới mức tôi bị đầy hơi và đau thắt bụng đến không tài nào ngủ nổi. Đã đến lúc phải thay đổi và cách mà tôi đã chọn là tập luyện.
1. Phòng gym trở thành nơi trú ẩn của tôi khỏi stress
Cho dù là học cách để nâng tạ, tập quyền cước hay thải độc với yoga – bất cứ điều gì cơ thể tôi có thể làm để loại bỏ stress, tôi đều làm.
Tập luyện giúp tôi chiến đấu với sự mệt mỏi. Và tôi nhận ra, niềm vui của mình bắt đầu trở lại. Tôi có thể tập trung nhiều hơn vào bài vở ở trường và các triệu chứng bệnh Crohn bắt đầu giảm dần.
Chị tôi là huấn luyện viên cá nhân. Do đó, kết hợp với các video trên YouTube và các bài tập ở nhà, chị ấy thiết kế một lộ trình tập luyện cho tôi. Tôi bắt đầu thèm khát dòng chảy ào ạt của endorphin ấy. Tôi cảm nhận sự tự tin của mình tăng lên. Bạn bè bắt đầu gọi tôi là “tia nắng mặt trời”.
Tập luyện giữ vai trò ưu tiên trong đời tôi vài năm sau đó. Nhưng bệnh Crohn của tôi vẫn còn. Căn bệnh không tuân thủ quy tắc của một chế độ ăn kiêng lành mạnh khác và điều này gây ra cảm giác thật hoang mang, phiền muộn.
Món salad khiến tôi bùng nổ tình trạng buồn nôn cùng những cơn đau dữ dội. Cơ thể tôi không thể tiêu hóa nổi rau diếp hay rau họ cải trừ khi chúng được nấu chín. Và như vậy, thật dễ dàng để chuyển sang chân gà, khoai tây – những thứ tôi có thể tiêu hóa tốt.
Mãi tới khi thành y tá và thực sự đắm chìm trong thế giới của sức khỏe, tôi mới hiểu rõ về vai trò của những thứ trên với căn bệnh Crohn cũng như sức khỏe nói chung của tôi. Tôi nhận ra, trong khi hệ tiêu hóa của tôi có thể sẽ dễ chịu hơn với cánh gà thì món ăn này lại khiến tôi uể oải (như tất cả các thực phẩm chế biến sẵn khác).
Điều quan trọng là phải có sự cân bằng tinh tế giữa những gì tôi có thể ăn và những gì không thể ăn. Nhưng sau khi “dọn dẹp” chế độ ăn của mình và tìm ra các lựa chọn thay thế bền vững cho những thứ tôi thèm, tôi bắt đầu thấy khá hơn.
2. Các buổi tập của tôi phải ngắn và hiệu quả
Tôi là ý tá phòng cấp cứu/chấn thương làm ca đêm toàn thời gian. Nhưng tôi cố gắng tập luyện 30-45 phút/ngày, 6 ngày/tuần với nhiều bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể. Tôi thích các bài tập chân, burpee (chuỗi động tác liên hoàn) và bài tập cường độ cao cách quãng HIIT.
Công việc của tôi đòi hỏi rất lớn về mặt thể chất. Chúng tôi phải thực hiện động tác ép ngực, nâng bệnh nhân lên, đẩy cáng và đi bộ cực nhiều trong mỗi ca làm việc. Và những bài tập thể hình rõ ràng đã giúp tôi đủ sức bền để thực hiện công việc y tá một cách dễ dàng.
3. Với bệnh Crohn, dinh dưỡng là lối sống, chứ không phải chế độ ăn kiêng
Tôi tuân thủ quy tắc 80/20 bởi nếu tôi không để bản thân được thỏa mãn với những món ngon nhưng không thực tốt cho sức khoẻ, tôi sẽ ăn uống quá đà và sau đó lại cảm thấy thật kinh khủng. Tôi cho phép bản thân mình được “xả hơi” ít nhất 1 lần/tuần nhưng cố gắng tỏ ra tỉnh trí trước những gì mình sẽ ăn – vì cả sức khỏe lẫn tiêu hóa.
Thực phẩm thuộc nhóm 20% ấy bao gồm sữa chua lạnh, sinh tố trái cây, đồ uống hỗn hợp không bổ sung đường hoặc bánh burger làm từ nguyên liệu hữu cơ, thịt của loài ăn cỏ. Tôi thích đồ ngọt, vậy nên tôi học cách làm bột bánh quy sử dụng bột protein, bơ hạnh nhân và mật ong.
Nếu không, bữa sáng điển hình của tôi là trứng với ít khoai lang. Bữa trưa và tối, tôi ăn cá hoặc thịt bò ăn cỏ với rau và tinh bột. Bữa tối yêu thích của tôi là sự kết hợp giữa cá hồi tẩm mật ong, măng tây nướng, xúp lơ nghiền với muối tỏi.
4. Tôi đã học cách là chính mình, không hối tiếc
Mọi người từng nói với tôi rằng tôi chưa đủ tốt, chưa đủ khoẻ, chưa đủ nhanh, chưa đủ thông minh. Nhưng tôi chỉ để những lời châm chích đó tiếp thêm năng lượng cho ngọn lửa của mình. Tôi đã học cách là chính mình, không hối tiếc.
Nhưng mọi thứ đều hoàn toàn phụ thuộc vào những gì bạn làm cho mình. Hãy biến những tiêu cực thành nguồn năng lượng để tiến bước. Khi tôi có một ngày dài và cảm giác muốn từ bỏ, tôi sẽ lặp lại nhận xét của một người ganh ghét tôi. Khi đó, tôi chứng minh cho mình thấy, tôi hoàn toàn có khả năng. Tôi sẽ làm được. Tôi xứng đáng!