Như VTC News đưa tin, sáng 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo nhằm giải đáp những băn khoăn xung quanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định: “Không có nước nào trên thế giới bỏ quản lý dân cư, kể cả các nước như Anh, Pháp, Mỹ. Thông tin bỏ hộ khẩu, bỏ CMND là không chính xác”.
Theo Trung tướng Vệ, hiện nay công tác quản lý dân cư chủ yếu thực hiện theo hình thức thủ công, do vậy, thông tin về dân cư chủ yếu mới phục vụ cho mục tiêu quản lý của ngành, lĩnh vực, chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung.
Đồng thời, khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân cũng phải xuất trình rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, gây phiền hà lãng phí. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng đã giao Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí vai trò rất quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc tổ chức thu thập thông tin sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đảm bảo an sinh xã hội, là căn cứ quan trọng để cơ quan Nhà nước nghiên cứu, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, thời gian đi lại.
Thông tin được thu thập, cập nhật thường xuyên góp phần quản lý chặt, đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, thông tin này còn được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin nhằm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Trung tướng Vệ cho biết, ngày 14/11, Bộ Công an sẽ triển khai hội nghị toàn quốc nhằm tập huấn cho công an tỉnh, huyện, xã phường và phát bảng kê để xuống từng hộ ký, đối chiếu với dữ liệu cùng với công an phường, thị trấn xác thực, trưởng công an phường ký vào.
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phấn đấu hoàn thành trong vòng 2 đến 3 năm. Bộ Công an sẽ huy động hàng vạn cán bộ để thực hiện.
“Luật quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc nên thông tin phải thật chính xác. Vừa rồi đã thí điểm tại Hải Phòng. Hiện Hải Phòng đã có 1,8 triệu dân được nhập vào cơ sở dữ liệu”, Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin.
Liên quan đến thông tin bỏ CMND, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay: “Thông tin này không chính xác. Trong luật quy định CMND là giấy tờ tùy thân của mỗi người. CMND phải làm thủ công. Để ra được CMND khoảng 2-3 tháng. CMND rất dễ làm giả. Hiện có người làm 2-3 số CMND.
Năm 2013 quy định cấp căn cước công dân. Hiện căn cước công dân đã cấp được tại 16 tỉnh, thành phố. Năm 1/1/2020, toàn quốc triển khai cấp căn cước công dân. Luật quy định không nhất thiết phải đổi từ CMND sang căn cước công dân mà vẫn được sử dụng vì có giá trị sử dụng như nhau. Ai cảm thấy căn cước công dân thuận lợi thì đổi”.
Tướng Vệ cho biết, hiện tại nước ta có 3 loại giấy tờ CMND gồm: CMND 9 số, CMND 12 số và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ này đều có giá trị như nhau. Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực.
Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện về nguồn vốn và các Bộ, ngành khẩn trương tập trung, nghiên cứu, trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân thì đến ngày 1/1/2020 sẽ đảm bảo được việc mở rộng cấp căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc. Khi đó, căn cước công dân sẽ dần thay thế CMND 9 số hiện nay.
Trước đó, như báo Giao thông đã đưa tin, từ năm 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính chỉ cần cung cấp họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở…
Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) được bãi bỏ, thay vào đó việc quản lý dân cư sẽ được thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Chậm nhất đến đầu năm 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…, mà chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: Họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở là sẽ được giải quyết.