Bà N. và ông D. từng là vợ chồng nhưng đã ly hôn hơn ba năm trước. Sau ly hôn, ông D. ra riêng, còn bà vẫn ở cùng con trai chung của hai người trong căn nhà cũ của vợ chồng.
Một ngày đầu năm 2017, bà đi làm về, do cúp điện, trời nóng bức, bà ra sau vườn bẻ trái dừa uống thì ông D. đến chửi mắng và dùng cây sào trúc đánh bà gãy xương tay trái.
Ông D. nói sau ly hôn, bà N. ở trong căn nhà trên phần đất cha mẹ ông để lại mà ông chưa có ý kiến gì. Do bà N. từng bẻ dừa của ông nhiều lần nên ông tức quá mới đánh bà N. một bạt tai. Bà N. quơ quơ con dao qua lại nên ông mới nhặt cây sào trúc đánh bà N., không ngờ làm bà gãy tay.
Bà N. được mọi người đưa đi cấp cứu, điều trị ở bệnh viện, tỉ lệ thương tật là 6%. Sau đó, ông D. đã bị công an xã xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng vì hành vi đánh bà. Nay bà khởi kiện yêu cầu ông D. phải bồi thường chi phí điều trị, chi phí đi lại, tổn thất tinh thần, chi phí mua sữa uống bồi dưỡng sức khỏe, thu nhập cá nhân bị mất, tổng cộng gần 30 triệu đồng.
Ông D. không đồng ý khoản mua sữa bồi dưỡng sức khỏe và tiền mất thu nhập vì bà N. tự mua sữa uống, mặt khác chỗ cơ sở dệt thảm xơ dừa mà bà N. theo làm hoạt động không thường xuyên, bữa làm bữa nghỉ.
Theo HĐXX, việc bà N. yêu cầu ông D. bồi thường thêm khoản tiền sữa là hợp lý vì từ lúc bà N. bị ông D. gây thương tích thì sức khỏe hạn chế hơn so với trước rất nhiều nên việc bồi dưỡng thêm sữa ngoài chế độ ăn uống bình thường nhằm mau chóng hồi phục sức khỏe là hợp lý.
Tuy nhiên, bà N. yêu cầu ông D. phải bồi thường 10 hộp sữa với giá 300.000 đồng/hộp là quá cao. Căn cứ theo nhu cầu sức khỏe, việc bà N. bồi dưỡng mỗi tháng hai hộp sữa trong hai tháng với giá tổng cộng là 1,2 triệu đồng là hợp lý.
Về phần mất thu nhập, chủ cơ sở dệt thảm xơ dừa chỗ bà N. theo làm cho biết người thế vị trí làm của bà N. đến nay đã lãnh lương được hơn 21 triệu đồng và người này làm việc có năng suất tương đương với bà N.
Từ đó cho thấy yêu cầu bồi thường của bà N. về phần thu nhập bị mất là phù hợp. Như vậy, tổng chi phí gần 30 triệu đồng mà ông D. phải bồi thường cho bà N. là có cơ sở để chấp nhận.