Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ giữa năm 2018, trước nguy cơ dịch sởi gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy và UBND thành phố để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố, chiến dịch đã được triển khai từ cuối tháng 11/2018 và đến nay.
Theo đó, tỷ lệ này đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Hiện dịch bệnh sởi đã ghi nhận ở 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nếu không triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt hơn, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Với những trẻ nhỏ khi mắc sởi gặp những biến chứng viêm phổi rất lớn. Để phòng chống bệnh sởi các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng – một trong biện pháp giảm nguy cơ mắc sởi hữu hiệu nhất”.
Cũng theo vị bác sĩ này, những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Sau khi tiếp xúc với virus sởi, người bệnh có thời gian ủ bệnh 7 – 15 ngày, sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Đồng thời, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Nên hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 17/2) đã ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018 thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vaccine sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.
Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Mỹ. Tại Ukraina số mắc tiếp tục tăng cao với 8.498 trường hợp mắc, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018 nước này ghi nhận 54.481 trường hợp mắc.
Tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, Chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.
Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.
Gia tăng bệnh nhi nhập viện do cúm mùa
Theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, số bệnh nhi nhập viện do nhiễm cúm chiếm tỷ lệ cao. Tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, trong số các trẻ đang điều trị có hơn 30 trẻ mắc cúm. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3- 15 trẻ nhiễm cúm.
Điều đáng nói, từ đầu năm 2019 đến nay, tại đây đã ghi nhận 3 bệnh nhi bị biến chứng viêm não sau khi mắc cúm, trong khi những năm trước chỉ có 1-2 trường hợp/năm.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương), thời tiết đông – xuân như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh cúm phát triển và lây lan nhanh. Triệu chứng của bệnh là sốt rất cao (39-40 độ C) kèm theo ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.
Hiện các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như: H1N1, H3N2 đều có vắc xin phòng ngừa nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất ít, do vậy, người dân nên tiêm vắc xin để phòng tránh cúm.