PGS. TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhôm là một kim loại có tính chất rất ưu việt bởi nó được phủ một lớp oxit nhôm bền, ngăn cản tất cả tác động của môi trường vào nhôm ở bên trong, đồng thời nó cũng ngăn chặn không cho chất nhôm ở bên trong này tan ra bên ngoài.
Vì thế, nồi nhôm (nhôm tinh khiết) được sử dụng từ lâu nay rất an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng, nếu lượng nhôm vào trong cơ thể cao thì có thể gây kém phát triển trí tuệ, đần độn.
Về thông tin này, PGS. TS Trần Hồng Côn khẳng định, đó là trường hợp hàm lượng nhôm rất cao chứ không phải hàm lượng mà nồi nhôm thông thường có thể thôi ra được.
Trên thực tế, không phải lúc nào bạn cũng sử dụng nồi từ nhôm tinh khiết. Một số loại nồi nhôm tái chế (nồi được đúc từ nhôm vụn đồng nát) thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Bạn không nên dùng loại nồi nhôm này để nấu ăn.
PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết, nồi làm từ nhôm tinh khiết có đặc điểm mềm, dẻo; nồi nhôm tái chế cứng và giòn.
Nếu thấy nồi nhôm bị xám đen lại và nổi lỗ chỗ; khi dùng bị sủi lên các bọt trắng li ti, bạn nên ngừng sử dụng.
Cũng theo các chuyên gia, người sử dụng nên chọn các nồi nhôm từ các nhà sản xuất uy tín, chất lượng.
Ngoài ra khi dùng nồi nhôm, bạn cũng cần lưu ý:
– Không dùng nồi nhôm nấu ăn trong khoảng thời gian dài.
– Không để nồi nhôm bị cháy trong quá trình đun nấu.
– Không sử dụng nồi nhôm để đựng dưa, cà muối.
– Không nên đánh trứng trong bát nhôm hay nấu canh chua trong các loại nồi nhôm.