Nếu cha hoặc mẹ hút thuốc khi con của họ còn nhỏ, đứa trẻ nhiều khả năng sẽ phì phèo thuốc lá khi trưởng thành.
Theo hãng tin IANS, các chuyên gia thuộc Đại học Leeds (Anh) ghi nhận trẻ em bị tác động thông qua hai cơ chế khác nhau: thứ nhất, điều kiện sống tồi tệ trong thời thơ ấu dẫn đến tình trạng nghèo khổ lúc trưởng thành; thứ hai, sức khỏe được “truyền” từ cha mẹ sang con cái.
Lối sống không tốt của cha mẹ cũng làm tăng rủi ro bị bệnh tật và những hậu quả tiêu cực liên quan đến sức khỏe sau này trong đời của trẻ, đặc biệt là tình trạng béo phì phát sinh từ việc lạm dụng rượu.
Các chuyên gia Anh đã nghiên cứu 21.000 người từ 50 tuổi trở lên. Họ so sánh các thói quen hút thuốc hiện tại, tình trạng béo phì và ít tập thể dục của các đối tượng trên với công việc, tuổi thọ, tình trạng hút thuốc và các vấn đề về rượu của cha mẹ họ trong thời thơ ấu.
Kết quả cho thấy vượt khỏi sự kế thừa di truyền bình thường vẫn thấy qua nhiều thế hệ, sức khỏe của cha mẹ cũng có tác động đối với sức khỏe con trẻ bằng cách truyền lại các thói quen và lối sống.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nếu cha của một người hút thuốc khi người này 12 tuổi, người đó có khả năng phì phèo cao hơn gấp hai lần so với người có cha mẹ không hút thuốc.
Nếu người mẹ hút thuốc, hành động đó làm gia tăng khả năng con gái của họ cũng hút thuốc nhưng không có ở con trai. Rủi ro hút thuốc cũng cao hơn ở con của những bậc cha mẹ là lao động thủ công và những người từng trải qua giai đoạn nghèo khổ trong thời thơ ấu.