Tại đây, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP), đặt vấn đề: Đi vào thực tế thấy nhiều cái khó: người đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu ở bệnh viện (BV) hạng 1 thì quyền lợi được hưởng khác BV hạng 2, hạng 3 rất rõ. Mỗi người đều mua BHYT cùng mệnh giá 725.000 đồng/năm, nếu ở BV hạng 1 thì được hưởng 1.800 dịch vụ, còn BV hạng 2, 3 thì ít hơn. Bài toán này Sở Y tế có suy nghĩ gì không? Thứ hai, Sở có kiểm soát được phòng mổ, giờ khám dịch vụ với các giờ khám BHYT ở các BV không hay vì cơ chế tài chính mà các BV đẩy mạnh dịch vụ? Tôi phát hiện các ca mổ BHYT rất chậm, còn mổ dịch vụ thì nhanh hơn. Người mổ BHYT xếp hàng chờ, không được can thiệp kịp thời, đau đớn, chen lấn và phải đi dịch vụ.
Giao bệnh viện tự chủ tài chính: Có bỏ rơi bệnh nhân bảo hiểm y tế?
Một đại biểu khác đặt vấn đề: BV tự chủ tài chính hoàn toàn thì doanh thu là tiên quyết nhất. Nếu BV đặt doanh thu lên hàng đầu thì ít nhiều tính nhân văn sẽ giảm. Khi tự chủ thì sẽ cạnh tranh từng BV, thậm chí từng khoa phòng trong một BV.
Trả lời bà Nhung, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, lý giải rằng bệnh nhân được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở điểm thuận lợi với nơi cư trú, nơi làm việc. Nhiều hay ít dịch vụ không quan trọng mà quan trọng là BV làm được gì? Hiện nay có cơ chế chuyển tuyến, dù người bệnh đăng ký tại trạm y tế nhưng khi cần sẽ được chuyển tuyến nơi có đầy đủ dịch vụ khám, chữa bệnh. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ, BV chuyển đi đúng nơi phù hợp.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP, cho biết tính đến ngày 31.3, có 36/92 BV, đơn vị được giao tự chủ đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (35 BV và 1 trung tâm). Tuy nhiên, dù các đơn vị được giao tự chủ chi hoạt động thường xuyên nhưng một số chi phí như khấu hao tài sản, chi phí đào tạo… chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, nên còn khó khăn.