Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, đa phần bệnh nhân chỉ tìm đến bác sỹ khi bệnh đã nặng. Kể cả hậu quả của suy tim vô cùng nặng nề có thể nhìn thấy trước thì mức độ quan tâm của người bệnh vẫn còn rất hạn chế.
Những hệ lụy nguy hiểm của suy tim ở người trẻ
Suy tim ở người trẻ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, cơ thể phải đối mặt với khó thở, mệt mỏi triền miên và gánh nặng về chi phí điều trị cùng với nỗi lo lắng bất an vì những lần nhập viện không bao giờ được báo trước. Đặc biệt nguy hiểm hơn là khi cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ não xảy ra đột ngột, dẫn đến tử vong bất ngờ.
Lối sống công nghiệp, ăn nhiều đồ ăn nhanh, ít vận động cộng với áp lực công việc là một trong những nguyên nhân khiến suy tim ngày càng trẻ hóa.
Nguyên nhân suy tim ngày càng trẻ hóa?
Tại sao ngày càng nhiều thanh niên trẻ gặp phải các vấn đề về tim? Để trả lời cho câu hỏi này Tiến sĩ Vivek Jawali, Chủ tịch Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Fortis ở Bengaluru (Ấn Độ) đã lý giải trên trang tin Boldsky hai khía cạnh như sau:
• Khía cạnh thứ nhất là những yếu tố bất khả kháng không thể can thiệp như: di truyền, tuổi tác, giới tính, dân tộc. Đặc biệt nhất là yếu tố di truyền, nếu trong gia đình từng có tiền sử mắc bệnh tim thì nguy cơ sẽ cao hơn những người khác.
• Khía cạnh thứ hai là những yếu tố có thể can thiệp được như ảnh hưởng từ các bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc, uống rượu, stress, ô nhiễm, ăn uống không lành mạnh, lười thể dục, thức khuya…
Dấu hiệu giúp nhận biết suy tim ở người trẻ
Ở giai đoạn đầu của suy tim, các triệu chứng thường không điển hình chính vì thế việc phát hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Ví dụ như: khó thở tăng khi leo cầu thang, chạy bộ, lao động nặng, … (các hoạt động gắng sức nói chung) sẽ mất đi khi nghỉ ngơi, ho khan dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp, hiện tượng phù ở chi thường không được để ý, mệt mỏi bị cho là do tuổi tác hoặc do căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, công việc, ….
Khi gặp những bất thường về sức khỏe đặc biệt là xuất hiện những dấu hiệu liên quan đến tim thì nên đi kiểm tra để được chẩn đoán sớm.
GS. Phạm Gia Khải cho biết: Suy tim ở người trẻ thường xảy ra bất ngờ, thậm chí nhiều trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu nào, nhưng hãy để ý nếu cơ thể bạn xuất hiện những dấu hiệu sau:
Khó thở là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ cảm thấy thở nhanh, hụt hơi, thiếu không khí, ngộp thở. Khó thở nhiều sẽ thấy tím da ở môi và đầu ngón tay, chân.
Ban đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức đi bộ quãng dài, leo cầu thang, mang vác nặng hoặc sinh hoạt tình dục và dấu hiệu này sẽ hết khi được nghỉ ngơi. Khi suy tim tiến triển nặng hơn, triệu chứng khó thở xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí là trong lúc ngủ khiến người bệnh phải ngồi dậy để thở.
Triệu chứng phù là hệ quả của việc ứ dịch trong cơ thể. Cách phát hiện phù do suy tim là khi ấn ngón tay lên mắt cá hoặc mu chân sẽ xuất hiện vết lõm và vết lõm tồn tại lâu mới hồi phục. Hiện tượng phù ở suy tim rõ về cuối ngày và nhẹ về sáng sớm khác với phù do bệnh thận là rõ vào buổi sáng. Phù ở suy tim thường đi kèm với khó thở do ứ huyết ở phổi.
Bên cạnh đó, nếu cơ thể đồng thời xuất hiện các biểu hiện sau: mệt mỏi đặc biệt là sau khi làm việc quá sức, khó ngủ về đêm do khó thở, ho khan kéo dài, tiểu nhiều về đêm, chán ăn, chướng bụng, suy giảm trí nhớ, … thì nên đi kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Đặc biệt nếu cơ thể có sẵn những rối loạn về tim mạch thì việc khám sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sức khỏe người bệnh.
Thay đổi lối sống phòng ngừa suy tim
Nếu không phải do yếu tố di truyền thì bệnh tim mạch nói chung, hội chứng suy tim nói riêng có thể được kiểm soát nếu bạn tuân thủ lối sống lành mạnh được các chuyên gia tim mạch khuyên như sau:
• Tập thể dục đều đặn, nếu không có thời gian có thể tranh thủ đi bộ nhiều nhất có thể, dùng thang bộ thay vì thang máy, …
• Bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
• Ăn uống khoa học hợp lý: Giảm mỡ, muối, đường và carbohydrate trong khẩu phần ăn; Hạn chế đồ ăn vặt, thức ăn nhanh; Tăng cường rau xanh, trái cây.
• Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì
• Hạn chế áp lực, căng thẳng, duy trì thói quen thư giãn, nghỉ ngơi khoa học. Đặc biệt hạn chế thức khuya.
• Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc theo chỉ định của bác sỹ.