Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây:
Sau khi thuyền cặp bến, cô lái thu tiền từng ngườì như bình thường, chỉ trừ nhà sư bị cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao.
Cô lái mỉm cười: “Thưa Thầy, vì Thầy đã nhìn em…”
Nhà sư lặng lẽ trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền “gấp ba.”
Nhà sư ngạc nhiên, hỏi vì sao.
Cô lái cười bảo: Thưa Thầy, Thầy đã nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền gấp ba bình thường và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền “gấp năm” lần. Nhà sư ngạc nhiên, hỏi vì sao.
Cô lái cười, đáp: Thưa Thầy, Thầy không nhìn em, nhưng còn nghĩ đến em.
Lặng lẽ, nhà sư trả tiền gấp năm lần bình thường.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò…
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần nầy phải trả bao nhiêu.
Cô lái đáp: Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.
Thiền sư hỏi vì sao.
Cô lái cười và đáp: – Thầy đã nhìn em mà không còn dính mắc gì tới hình ảnh em nữa… Do vậy, em xin đưa Thầy qua sông mà thôi…
Câu chuyện trên vô cùng ý nghĩa, chính là muốn nói đến sự tĩnh tâm thực sự của đời người. Người ta tĩnh tâm không phải ở lời nói, ở hành động, mà chính là sự tĩnh tâm đến từ tâm hồn.
Chữ tâm tìm thấy trong kinh Phật thì vô số kể. Vì tâm là cốt lõi của đạo Phật. Tức tâm tức Phật. Việc tu hành cũng thường được nhấn mạnh là tu tâm. Đạt đạo quả cũng là đạt tâm Phật hay Phật tâm. Trở về với bản lai diện mục cũng là trở về với chân tâm. Tĩnh tâm chính là cảnh giới cao độ nhất của việc thoát tục, giải thoát con người khỏi những ý niệm trần tục, những giả dối, sân si hay dục vọng tầm thường.
Thanh tịnh tâm hồn là gì? Nó là một trạng thái vắng lặng và thanh bình của nội tâm cùng với một cảm giác tự do. Một khi không còn những suy nghĩ và lo lắng thì không có phiền muộn, căng thẳng và sợ hãi.
Hãy nhớ rằng:
Mắt mở nửa chừng,
hãy dịu dàng cảm nhận từng hơi thở vào và ra.
Và cảm nhận rằng
toàn thân bạn đang dịu dàng thở.