Một câu chuyện cũ kể lại, có hai người phụ nữ, vợ cả và vợ hai cùng sinh được con trai độc nhất. Không may, con trai của vợ hai bị tai nạn xe cộ và qua đời, bà khóc lóc đau khổ, tiếc thương vô hạn. Những người xung quanh bèn an ủi: Bà đừng khóc nữa, người đã đi rồi, hãy để cho cậu ấy ra đi thanh thản rồi bà lại sinh thêm một người con khác.
Người phụ nữ đáp lại: Không thể sinh nữa rồi, tôi không phải vì con mất mà thương tâm, điều khiến tôi đau khổ nhất chính là sao con trai tôi lại mất trước con trai của vợ cả, thật là chết sai người.
Người vợ cả biết chuyện liền trộm nghĩ: Không hay rồi, sau này cùng vợ hai ở chung một chỗ có thể làm hại tới con mình. Vì thế mà bà nhanh chóng đưa con trai rời khỏi nhà. Người vợ hai cả ngày rầu rĩ không vui, lúc nào cũng hỏi thăm về tình hình con trai bà vợ cả. Một hôm, có người báo tin, con trai vợ cả đã bị bệnh qua đời. Bà vợ hai vui mừng, đang buồn rầu bỗng trở nên cao hứng, nỗi buồn của bà vốn to lớn thế nhưng vì đối phương đã chết mà chuyển thành niềm vui.
Nghe chuyện ấy mới thấy, sự khổ sở thực sự đôi khi không phải do chúng ta gặp chuyện không hay mà vì tâm đố kị, vì ghen tị mà tự làm khổ mình. Bản chất của nỗi đau bị xóa nhòa bởi lòng ganh ghét, tư thù hay oán giận vô cớ mà quên đi, bản chất của nỗi đau thực ra chỉ là bất hạnh của riêng mình, không liên quan tới người khác.
Hãy nhớ rằng, bất luận là may mắn hay rủi ro, cũng không cần quá vui vẻ hay chán nản, phúc báo hưởng hết tất phá vận, phá vận qua đi thì mọi sự lại thỏa đáng, làm nhiều việc thiện mới chính là vận may căn bản.
Nếu hiểu được điều đó thì không bao giờ nảy sinh lòng đố kị, tham lam hay mệt mỏi vì thành tựu của người khác. Bởi bản thân mình đã có thành tựu riêng, được tích lũy từ thiện tâm và thiện tính.