Dưới đây là những lý do luôn khiến con người dù muốn yêu lắm nhưng vẫn sợ:
Sợ bị tổn thương
Hẳn ai cũng hiểu rằng, một mối quan hệ mới giống như một cuộc thám hiểm tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khiến ta luôn sợ hãi.
Khi chấp nhận đặt niềm tin và tình cảm vào đối phương, não bộ sẽ được kích thích sản sinh dopamine – một chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter), được các nhà nghiên cứu gọi là hormone kích thích niềm vui và sự hứng thú.
Tuy nhiên, với những người đã từng bị tổn thương thì đi kèm với sự hưng phấn trong tình yêu là nỗi lo lắng sợ bị tổn thương. Do đó, các nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra, với những người từng “đau đớn” trong tình yêu, họ sẽ cố tránh né để không bị tổn thương trong tình yêu bởi họ tin, “yêu càng nhiều càng khổ”.
Sợ những kì vọng không thực tế
Trong thời buổi công nghệ hiện đại này, chúng ta dễ dàng xem, đọc, nghe hay nhìn thấy những tin tức về tình yêu thông qua mạng xã hội hoặc phim ảnh. Do đó, bên cạnh những điều tích cực về tình yêu sẽ có không ít những điều tiêu cực tác động mạnh mẽ tới bạn. Chính vì những vai nam chính trong phim ngôn tình quá là soái ca hoặc ga lăng đến rung động lòng người nên bạn luôn ao ước người yêu tương lai của mình cũng sẽ hoàn hảo y như vậy. Nhưng rốt cuộc thì phim ảnh cũng chỉ là phim ảnh, còn thực tế thì khác xa đến phũ phàng. Khi bạn kì vọng quá nhiều nhưng người bạn yêu thì lại không được mấy ưu điểm như mong đợi quả thực rất thất vọng, đúng không? Việc so sánh bạn trai mình với những nhân vật không có thật hay là so sánh với bạn trai nhà người khác nói chung lại cũng là điều không nên.
Tình yêu phải xét đến sự đồng điệu trong tâm hồn và sự tôn trọng người ấy ở bạn. Chứ đừng mong tìm kiếm một người hoàn hảo giống như phim ảnh hay phù hợp với mọi chuẩn mực của xã hội.
Sợ đánh mất đi bản thân mình vì tình yêu
Khi một người rơi vào tình yêu, ở giai đoạn đầu họ thường yêu cuồng nhiệt đến bất chấp. Có thể nói, họ luôn muốn hi sinh hết tất cả vì người mình yêu. Đôi khi họ lại dễ dàng đánh mất đi con người mình chỉ vì muốn làm hài lòng ai đó. Điều này khiến cho bản thân họ bị lu mờ trong tình yêu, không còn tiếng nói trong chính cuộc tình của mình.
Hãy luôn là chính bạn, yêu bản thân và học cách bảo vệ chính mình trước khi muốn lo lắng hay chăm sóc cho ai đó. Người ta sẽ không vì sự hi sinh của bạn mà ca ngợi đâu, chỉ khi bạn biết yêu thương mình mới khiến người ta thêm trân trọng.
Sợ cảm giác bị từ chối
Những anh chàng, cô nàng tự ti, nhút nhát rất sợ một ngày nào đó mình ngỏ lời yêu sẽ bị từ chối thẳng thừng. Họ thà yêu đơn phương để ngày ngày được xuất hiện bên cạnh người mình thích như một người bạn, còn hơn là bị người đó tránh mặt, không đoái hoài đến.
Sợ mình không có kinh nghiệm yêu
Việc nhiều người dù đã 25-26 tuổi nhưng chưa từng có mảnh tình vắt vai là thật chứ không phải chuyện cổ tích. Họ có thể vì một số lý do cá nhân mà khiến chuyện tình yêu trầy trật, dang dở mãi. Họ cũng muốn yêu lắm chứ, nhưng lại lo sợ quá nhiều. Sợ người ta chê cười khi mình chưa từng có mối tình đầu, sợ bản thân không làm tốt vai trò người yêu, không biết cách yêu và chăm sóc nửa kia…
Hãy vượt ra khỏi nỗi sợ và tận hưởng khi tình yêu đến, chuyện gì cũng phải có lần đầu tiên mà đúng không?
Sợ chia tay
Tình yêu giống như hoa hồng, có sắc có hương nhưng cũng có cả gai nhọn. Khi bạn hạnh phúc thì cũng như đang được ngắm nhìn một bông hoa rực rỡ sắc màu, ngào ngạt hương thơm. Nhưng không cẩn thận sẽ bị gai nhọn đâm trúng khiến tay bị thương tổn, chảy máu.
Không phải tất cả mọi người yêu nhau thì đều chia tay, cũng có những tình yêu vĩnh cửu cơ mà. Mà dẫu cho tình yêu của bạn có ngắn hạn đi nữa thì việc được yêu và ở bên một người chính là duyên phận. Mà duyên thì không thể tránh, sao bạn không tận hưởng và chấp nhận nó như một điều tự nhiên? Chuyện thất bại trong tình yêu cũng dựa vào rất nhiều yếu tố, nếu bạn cứ lo sợ mãi thì nó sẽ trở thành sự thật đấy.
Sợ không còn thời gian cho những mối quan hệ khác
Thông thường, khi rơi vào tình yêu, ta dễ dàng bỏ quên những mối quan hệ khác như gia đình, bạn bè, công việc… vì mải tập trung duy nhất sự quan tâm cho người yêu. Khi sự ưu tiên dần dần bị thay đổi, đến một lúc nào đó, mọi người cũng tự xa rời và không làm phiền bạn nữa. Nếu như trong cuộc sống bạn có xảy ra vấn đề gì, chẳng hạn như cãi nhau với người ấy chẳng hạn, lúc này bạn muốn tìm về những mối quan hệ khác để có được sự thông cảm và chia sẻ cũng sẽ rất khó khăn. Vì ngay từ đầu bạn đã không chăm sóc cho những mối quan hệ này của mình.
Sợ gợi nhớ quá khứ đau thương
Khi bắt đầu một tình yêu mới, chúng ta ít khi quan tâm quá khứ ảnh hưởng đến tình cảm hiện tại như thế nào.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng, những rạn nứt trong tình cảm trước đây hay những tổn thương thời thơ ấu có tác động rất lớn đến nhận thức tình cảm, khiến mối quan hệ mới trở nên xa cách, dễ tan vỡ.
Những kí ức buồn mang phần tiêu cực trong quá khứ có thể làm chúng ta cảnh giác và không muốn “mở lòng” trước những mối quan hệ mới. Đây cũng là kết quả nghiên cứu do tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Pat Love dẫn đầu.
Theo đó, một mối quan hệ tình cảm càng sâu sắc trước đó càng khiến bạn khó quên và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những mối quan hệ sau.
Vì thế, các chuyên gia tâm lý cho rằng, mọi chuyện đã qua hãy để nó qua đi, nhìn về quá khứ chỉ khiến bạn trở nên nuối tiếc hơn, điều bạn cần làm là khởi động cho những dự định, mối quan hệ sắp tới.
Sợ tình yêu không được đáp trả
Đây là nỗi sợ chung của rất nhiều người, nhất là những ai yêu đơn phương. Nỗi sợ này bắt nguồn từ lo lắng “cho nhiều nhưng không được nhận”. Nhưng các chuyên gia tâm lý học đã chỉ ra, sự thật thì tình yêu luôn mất cân bằng.
Điều này là do vùng extrastriate của não – nơi chịu trách nhiệm đánh giá người khác đã được kích hoạt, tuy nhiên, vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (TPJ- temporoparietal junction) cũng hoạt động theo.
Điều này cho thấy khi đang yêu, chúng ta luôn thấy mình yêu nhiều hơn so với đối phương, dẫn đến những dằn vặt, hờn ghen và trách móc. Thế nhưng bạn có biết, lo lắng thái quá chỉ khiến chúng ta làm xấu đi mối quan hệ và luôn che đậy cảm xúc thật của mình. Thay vào đó, hãy dũng cảm lên và để cảm xúc tự nhiên lên tiếng.
Sợ rạn nứt mối quan hệ với gia đình
Tình yêu là biểu hiện chứng tỏ sự trưởng thành. Tình yêu cũng là sự bắt đầu cho cuộc sống độc lập và tự chủ. Vì thế, nhiều người suy nghĩ bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc đánh dấu cho giai đoạn phải rời xa gia đình.
Thế nhưng, sự thật là tình yêu khiến ta có trách nhiệm với gia đình hơn. Bên cạnh đó, tình yêu chỉ là mối quan hệ trên mức độ tình cảm thông thường và rất tách biệt với tình yêu gia đình.