Lần đầu tiên gặp anh khi chúng tôi đến làm việc tại lữ đoàn 918 cách đây bốn năm, thời điểm đơn vị vừa tiếp nhận chiếc Casa-212 thứ nhất, khi đó anh là trung đoàn trưởng.
Anh rất dễ gây ấn tượng với người khác bởi ngoại hình không thể lẫn vào đâu được: làn da ngăm đen, vóc người vạm vỡ, đậm và giọng nói vang, mạnh mẽ cùng nụ cười đầy hào sảng.
Anh em trong đơn vị vẫn gọi anh bằng cách gọi rất thân mật: Toàn béo, Toàn gấu. Ai gặp cũng không thể quên nụ cười của anh, rổn rảng, thoải mái và toát lên khí chất của một vị chỉ huy.
9 thành viên phi hành đoàn CASA-212 |
Mất mát quá lớn
Thượng tá Nguyễn Thái Sơn (phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 918), một trong những người gắn bó với đại tá Lê Kiêm Toàn (lữ đoàn trưởng lữ đoàn 918) khẳng định: “Anh Toàn là thầy của những người thầy phi công về Casa-212. Chúng tôi đã mất mát quá lớn…”.
Đại tá Lê Kiêm Toàn là một trong bốn người đầu tiên được cử sang Tây Ban Nha học chuyển loại máy bay Casa-212. Khi về nước, anh chính là người dạy cho rất nhiều phi công học chuyển loại máy bay này.
Không lâu trước đó, ngày 2-6-2016, đại tá Lê Kiêm Toàn vừa hạ cánh máy bay Casa-212 ở Trường Sa.
Đây là lần đầu tiên máy bay Casa-212 hạ cánh ở vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc, cũng là lần thứ hai máy bay vận tải quân sự cánh bằng của không quân Việt Nam hạ cánh thành công ở Trường Sa.
Đại tá Nguyễn Hoài Thủy, phó tham mưu trưởng lữ đoàn 918, cho biết chỉ ba tuần trước anh và lữ trưởng mới bay đêm cùng nhau.
“Đó là một trong ba buổi bay đêm cuối cùng để anh Toàn chuẩn bị phê chuẩn cho tôi làm giáo viên bay đêm. Lẽ ra hôm thứ hai và thứ ba sẽ bay đêm tiếp cho xong chương trình giáo viên thì xảy ra vụ tai nạn máy bay Su30-MK2.
Tôi đang trực ở Sài Gòn thì nhận lệnh 9g20 cất cánh đi vào tọa độ gần Vinh để tìm. Đến ngày thứ hai (15-6), tôi lại cùng đồng đội là Hảo, Hưng, Giang… tiếp tục bay đi tìm kiếm chiếc Su30-MK2. Hôm ấy bay kỷ lục chín tiếng đồng hồ.
Do tính chất công việc, bộ tư lệnh cho đổi tổ bay. Sáng 16-6, tổ bay gồm các anh Toàn, Chính, Hảo, Chu… cất cánh tại Gia Lâm lúc 9g10 bay đi Nam Hà rồi ra tọa độ quân chủng yêu cầu”.
Hôm đó, đại tá Nguyễn Hoài Thủy là chỉ huy bay ở căn cứ của lữ đoàn 918. Đến 12g30 thì Casa-212 số hiệu 8983 mất liên lạc.
“Trước khi ra sân bay, khi giao nhiệm vụ cho tổ bay, anh Toàn còn nói với anh em rằng “mình đi tìm đồng đội mình là đau thương rồi nhưng phải hết sức chú ý đảm bảo an toàn, nắm chắc tọa độ, bay theo lệnh của sở chỉ huy”… Đó gần như là những câu nói cuối cùng của anh” – đại tá Nguyễn Hoài Thủy xúc động kể.
Cánh chim đầu đàn
Ít ai biết lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn xuất thân là phi công lái máy bay chiến đấu Mig-21 của trung đoàn 929.
Trong quá trình lái Mig-21, anh từng gặp sự cố khi đang bay nhưng xử lý tốt sự cố và tiếp tục tung bay. “Khả năng, cá tính của anh Toàn đúng là của phi công phản lực: mạnh mẽ, nhanh nhẹn, chắc chắn, cẩn thận và rất am hiểu kỹ thuật” – thượng tá Nguyễn Thái Sơn cho biết.
Đại tá Lê Kiêm Toàn là một trong những phi công đầu tiên được cử đi học tiếng Anh cấp tốc tại Học viện Hàng không, rồi được đưa sang Tây Ban Nha học lái Casa-212.
Sau khi học ở Tây Ban Nha về, phi đội Casa-212 dưới sự dẫn dắt của đại tá Lê Kiêm Toàn bắt đầu những chuyến bay huấn luyện tại Việt Nam.
Những “học trò” của anh sau này có người trở thành lái chính, giáo viên truyền đạt lại cho lớp phi công trẻ sau này.
Đại tá Hoài Thủy chia sẻ: “Với chúng tôi, anh Toàn là chim đầu đàn. Anh Toàn học ở Tây Ban Nha chỉ hai tháng rồi về nước, khai thác Casa-212 cho đến bây giờ. Anh đào tạo tôi, phê chuẩn cho tôi làm giáo viên, tôi lại dạy lại cho anh em. Hồi đi tìm MH-370, tôi lái một chiếc, anh Toàn lái một chiếc”.
Là phi công cấp 1 với gần 3.000 giờ bay tích lũy, bay được cả bốn loại khí tượng, đại tá Lê Kiêm Toàn thường bay kèm các phi công mới cho đến khi họ có thể bay độc lập.
“Tôi học được rất nhiều điều từ người anh của mình. Anh là phi công chiến đấu nên rất bản lĩnh, độc lập và quyết đoán” – đại tá Thủy nói.
Trong ký ức của đồng đội, đại tá Lê Kiêm Toàn là người rất hòa đồng, vui tính, dí dỏm. “Anh ấy cười suốt ngày, thấy căng thẳng là làm giảm nhiệt ngay và biết điều tiết cảm xúc.
Nhìn anh cứ tưởng anh nóng tính nhưng khi chỉ huy bay, anh chưa bao giờ quát mắng phi công.
Anh nhẹ nhàng chỉ ra cho phi công biết để điều chỉnh thao tác, đợi đến khi hạ cánh an toàn về mới nhắc nhở” – thượng tá Nguyễn Thái Sơn cho hay.
Làm tốt chính sách đối với quân nhân hi sinh Trong buổi gặp mặt báo chí tổ chức tại Bộ Quốc phòng chiều 24-6, thượng tướng Võ Văn Tuấn – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – cho biết lực lượng cứu nạn vớt được nhiều thi thể của phi hành đoàn Casa-212 cùng với nhiều bộ phận liên quan đến máy bay Casa-212 và Su30-MK2. Với Casa-212, trục vớt được các bộ phận chủ yếu của máy bay gồm thân, đuôi, cánh quạt, động cơ, các chi tiết kỹ thuật, khí tài, vật dụng cá nhân của các thành viên tổ bay. Hiện cơ quan pháp y quân đội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đang khẩn trương xác minh, làm rõ danh tính các thi thể đã tìm được. Theo thượng tướng Võ Văn Tuấn, tất cả thành viên phi hành đoàn của máy bay Casa-212 đều đã hi sinh. Tổng cục Chính trị được giao nhiệm vụ chủ trì làm tốt công tác chính sách đối với gia đình quân nhân hi sinh. Nguyên nhân ban đầu về tai nạn của hai máy bay cũng được thượng tướng Võ Văn Tuấn tiết lộ. Với máy bay Su30-MK2, nguyên nhân ban đầu do có sự cố trong buồng lái nên phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Còn với máy bay Casa-212 có thể do thời tiết biến động bất thường và khi máy bay bay tìm kiếm cứu hộ cứu nạn thường bay ở độ cao thấp, đây có thể là những yếu tố gây ra tai nạn. “Chúng ta tiếp tục tìm kiếm những vật thể liên quan đến hai máy bay này, trong đó có vật rất quan trọng là hộp đen. Những thông tin trong hộp đen sẽ được kết hợp các yếu tố khách quan khác để phân tích nguyên nhân tai nạn” – thượng tướng Võ Văn Tuấn nói. |
Chính thức thông tuyến đường sắt Bắc-Nam
(Xã hội) – (Phunutoday) – Sáng nay (25/6), Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã cho chạy tàu thử tải thành công qua cầu Ghềnh an toàn. |