Theo Independent, một cặp vợ chồng hiếm muộn ở Ukraine đã cố gắng tìm mọi cách để có thể sinh được một đứa con. Trong suốt hơn 10 năm, họ đã chạy chữa và thử nghiệm rất nhiều biện pháp nhưng chưa có kết quả. Thậm chí, họ đã từng 4 lần thất bại khi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Sau bao nhiêu năm chạy chữa, nhờ có nhóm bác sĩ ở thủ đô Kiev cặp vợ chồng đã đạt được ước nguyện của mình. Nhóm bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật có tên gọi là pronuclear transfer, một phương pháp được gọi là thử nghiệm cao.
Để tiến hành phương pháp này, họ đã cho trứng của một phụ nữ 34 tuổi thụ tinh với tinh trùng của chồng, sau đó chuyển gen kết hợp này vào trứng của một người hiến tặng.
Đứa trẻ được sinh ra hôm 5-1 mang gen của cha mẹ cùng một lượng ADN nhỏ từ người phụ nữ thứ hai.
Theo NLĐ, bác sĩ Valery Zukin, người dẫn đầu nhóm chuyên gia nêu trên, cho biết những xét nghiệm ban đầu cho thấy đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Theo chuyên gia này, một cặp đôi khác sẽ chào đón đứa con nhờ phương pháp tương tự vào tháng 3 tới.
Em bé ở Ukraine không phải là đứa trẻ đầu tiên ra đời từ ADN của 3 cha mẹ. Trước đó, hồi năm ngoái, một đứa trẻ có 3 cha mẹ cũng đã chào đời ở Mexico thông qua một phương pháp hơi khác.
Theo đài BBC, phương pháp này nhằm giúp đứa trẻ sinh ra không thừa hưởng những căn bệnh chết người từ mẹ. Trong khi đó, phương pháp của các bác sĩ ở Ukraine là để điều trị những căp vợ chồng vô sinh.
Những phương pháp “3 cha mẹ” vừa nêu đang gây không ít tranh cãi về vấn đề đạo đức. GS Adam Balen, Chủ tịch Hiệp hội Sinh sản Anh, cho biết những kỹ thuật loại này chỉ mới mang tính thử nghiệm, chưa được đánh giá thấu đáo và chứng minh về mặt khoa học. “Chúng ta nên cực kỳ thận trọng trong việc áp dụng phương pháp này để cải thiện kết quả IVF (thụ tinh nhân tạo)” – ông Balen nói với đài BBC.